(ĐSPL)- Rất nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng bọ đen xuất hiện ở khu vực Tây Nguyên khiến họ mất ăn mất ngủ. Còn ở Hà Nội hiện nay, dư luận bàn tán xôn xao và truyền tai nhau cách phòng ngừa bọ xít hút máu người.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng dường như vẫn “bí” một giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để những vấn đề này.
Bọ xít vào tận nhà, bọ đen vào tận giường
Đại diện sở NN-PTNT nông thôn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã lên tiếng khẳng định, tình trạng bọ đen xuất hiện tràn lan bò vào nhà dân vẫn đang tồn tại.
Theo phản ánh của gần 100 hộ dân tại khu vực bảy xã thuộc TP. Kon Tum thì họ ăn không ngon, ngủ không yên vì không hiểu nguyên nhân từ đâu có những con bọ đen xuất hiện khắp trong các góc trong nhà, gây mùi rất khó chịu.
Một người dân tại xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum tỏ ra lo lắng: “Vài năm trở lại đây, cứ mùa mưa đến là gia đình tôi rất sợ. Mùa mưa ở Tây Nguyên kéo dài, mà thời tiết ẩm ướt khiến những con bọ đen xuất hiện mọi nơi với số lượng lớn, gần như là dịch. Nhà tôi làm bằng gỗ và tre nên càng là môi trường thuận lợi cho bọ đen trú ẩn. Không biết phải làm sao”.
Còn anh Nguyễn Hân ở xã Ya Chim, TP. Kon Tum thì cho biết: “Nhà tôi phải tránh bọ đen bằng cách làm nhiều ụ rơm ẩm, mục nát ở xung quanh nhà để thu hút bọ đen ra ngoài. Cũng có những ngày, số lượng bọ đen tập trung lớn phải giăng các bóng đèn ngoài sân cho thật sáng để bọ đen theo ánh sáng ra ngoài. Cứ hễ trời tối là phải tắt điện trong nhà và giảm mọi sinh hoạt cần ánh sáng để tránh bị bọ đen làm phiền giấc ngủ. Thế nhưng, mùi bọ đen vẫn rất hăng và gây cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu”.
Không kém gì những phiền toái từ bọ đen, nhiều người dân ở Hà Nội thời gian gần đây lại vô cùng hoang mang khi thông tin về một loại bọ xít hút máu người lại xuất hiện lợi hại hơn trước. Đáng ngại hơn, trong khi cắn, loài bọ xít này không gây bất cứ cảm giác nào cho con người. Nhưng chỉ sau 15-20 phút, cảm giác ngứa sẽ rất khó chịu. Không những vậy, nếu ai dùng tay gãi nhiều vào vết cắn có thể gây sưng tấy và dẫn đến nhiễm trùng nếu bị vi khuẩn độc xâm nhập.
Theo anh Nguyễn Hồng Minh, Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội thì trong vòng hai ngày cuối tháng Sáu, nhà anh đã phát hiện ba cá thể bọ xít. Anh rất lo lắng vì nhìn nó giống với loại bọ xít hút máu người từng xuất hiện ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì rất may là người trong nhà chưa ai có biểu hiện bị bọ xít tấn công.
Cô Hoàng Thị Yến (Thanh Xuân, Hà Nội), một người đã bị bọ xít đốt lại khẳng định: “Nó rất giống với bọ xít hút máu người mà tôi biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Vết đốt của nó gây ngứa cả tháng trời mới khỏi. Lạ một điều, càng gãi, càng bôi thuốc ngứa nó càng ngứa và phồng to, rất khó chịu”.
|
PGS-TS.Trương Xuân Lam và tiêu bản bọ xít hút máu mà ông tìm được năm 2010. ảnh tư liệu. |
Xuất hiện theo chu kỳ?
Theo PGS.TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thì loài bọ xít hút máu thường sống bằng máu người hoặc máu của động vật. Trung bình một năm, chúng chỉ cần hút máu từ 1-3 lần là có thể sống sót suốt vòng đời. Nếu đã hút được máu người thì chỉ cần từ 1-2 ngày sau, bọ xít sẽ đẻ trứng. Trứng bọ xít rất nhỏ, khó phát hiện. Mỗi đợt đẻ trứng sẽ có từ 150 – 200 quả và sau từ 16-18 ngày sẽ nở thành bọ xít con nếu gặp môi trường nhiệt độ phù hợp.
ông Lam cũng cho biết, bọ xít hút máu không chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn xuất hiện cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Bọ xít thường hút máu vào thời điểm ban đêm, từ 0 – 3h, thời gian hút máu kéo dài chừng 15 phút và khi hút máu, chúng tiết ra chất gây tê khiến người bị hút máu khó phát hiện. Chỉ sau khi bị ngứa, sưng, người bị đốt mới phát hiện ra. ông Lam khuyến cáo người dân khi phát hiện bọ xít, tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho chúng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Trong trường hợp người dân bị bọ xít hút máu cắn, nên rửa ngay vết cắn bằng xà phòng, không gãi để tránh gây xước, viêm nhiễm, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL về thực trạng đáng ngại này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cho biết: “Loài bọ xít hút máu đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm nay, tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp truyền nhiễm bệnh từ vết hút máu. Bởi vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên, người dân cần dùng các biện pháp phòng tránh đúng cách để tránh bị đốt gây ngứa ngáy, khó chịu”.
ông Phu nhấn mạnh: “Thời điểm bọ xít hút máu người xuất hiện và sinh sản hàng năm theo chu kỳ thường là từ tháng Năm đến tháng Chín. Để tránh bị bọ xít hút máu đốt thì người dân nên thường xuyên vệ sinh nơi ở, nhất là với giường, tủ... để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu phát tán. Đặc biệt, ở những gia đình, vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu thì người dân khi đi ngủ nên bỏ màn cẩn thận để tránh bọ xít chui vào đốt ban đêm. Mặt khác, người dân nên tích cực loại bỏ những vật dụng mục nát để tránh làm tổ cho bọ xít hút máu cư trú, ẩn nấp”.
Người dân Tây Nguyên vẫn phải tự “giải quyết” nạn bọ đen Đối với tình trạng bọ đen xuất hiện tràn lan vào mùa mưa ở Tây Nguyên, theo ghi nhận của PV thì cho đến nay, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào. Một số nhà nghiên cứu khoa học đưa ra lời khuyên cho người dân là có thể quét gom thu bọ đen lại và đốt. Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: “Đến nay, bệnh viện chưa ghi nhận bất cứ một trường hợp bệnh nhân nào nhập viện do bị bọ xít đốt. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, bên cạnh đó nên tìm cách vệ sinh khu nhà ở để phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển của bọ xít hút máu”. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoang-mang-bo-xit-vao-tan-nha-bo-den-vao-tan-giuong-a39238.html