Pịa cá có vị mềm, ngọt của lòng cá lẫn mùi thơm nổi bật của sả và mắc khén khiến thực khách cứ vương vẫn mãi không quên.
Trong gia đình người Thái, nậm pịa là món ăn khá phổ biến và được dùng trong các dịp lễ tết, có công việc trọng đại của gia đình để thiết đãi bạn bè, khách quý. Cái tên nậm pịa theo dịch nghĩa tiếng Thái thì “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là phần dịch (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già.
Nậm pịa có thể dùng làm nước chấm hay dùng trực tiếp làm món ăn như một loại canh, có tác dụng giải rượu rất tốt.
Pịa cá là một đặc sản của đồng bào người Thái ở Sơn La - Ảnh: Dân Việt |
Bên cạnh các món pịa phổ biến, khiến thực khách "hết hồn" như pịa bò, pịa dê thì ít ai biết rằng ở vùng đất này còn món pịa cá cũng rất ấn tượng.
Cũng giống nhiều món pịa khác, pịa cá được làm từ phần ruột của con cá, kết hợp với các loại gia vị đặc trưng ở Tây Bắc.
Chia sẻ trên Dân Việt công thức làm món pịa cá, chị Lò Thị Điện, chủ nhà hàng Phố Núi ở bản Cóng Nọi (P. Chiềng Cơi, TP. Sơn La) cho biết: “Để làm được món pịa cá cần phải chọn được những con cá suối còn sống, thường thì chúng tôi sẽ lựa chọn những loại cá to như cá trắm, cá chép vì phần ruột của loài cá này khá to".
Chị Điện cho biết thêm, cá sau khi làm sạch sẽ lấy phần ruột để riêng. Sau đó, sẽ bóc tách phần mỡ bám ngoài ruột rồi dùng tay vuốt sạch các chất bẩn trong đó. Phần ruột này sẽ nhanh chóng được cắt thành từng khúc vừa ăn rồi để ráo nước.
Pịa cá có vị ngọt của thịt cá, thơm của các loại gia vị - Ảnh: Dân Việt |
Để chế biến được món pịa cá hấp dẫn, quan trọng nhất là phải kết hợp với các loại gia vị đặc trưng, trong đó không thể thiếu củ sả, hạt mắc khén (một loại hạt có mùi vị gần giống hạt tiêu), ớt tươi, mùi tàu…
Các loại gia vị sau khi cắt nhỏ thì cho lên bếp phi thơm, tiếp đến cho phần lòng cá đã làm sạch vào đảo đều tay. Khi thấy miếng lòng cá bắt đầu chín và săn lại, chị Điện cho thêm mắc khén giã nhỏ và mắm muối vào nêm nếm cho vừa miệng. Đợi lòng cá ngấm gia vị, chị Điện cho thêm nước vào đun sôi.
Theo chị cứ 1 phần lòng thì cho 2 phần nước, không nên cho nhiều nước quá sẽ làm món pịa bị loãng. Chỉ một lúc, nồi pịa đã sôi sùng sục, cả căn bếp đã dậy mùi thơm sực nức khó cưỡng, chị Điện cho thêm các loại rau thơm thái nhỏ vào rồi nhanh chóng tắt bếp.
Không có vị đắng như các món pịa khác, pịa cá có vị mềm, ngọt của lòng cá lẫn các loại gia vị, đặc biệt mùi thơm nổi bật của sả và mắc khén đã lấn át mùi tanh ban đầu của cá, khiến thực khách cứ mãi vương vấn."Pịa cá khá dễ ăn, không "kinh dị" như các loại pịa dê, pịa trâu vì phần ruột cá đã được làm sạch rồi", chị Điện chia sẻ.
Và chắc chắn trong những lần đầu du khách sẽ một chút hoảng hồn với món pịa Sơn La. Tuy nhiên, nếu ăn vài lần có thể bạn sẽ "nghiện" và chẳng thể nào quên được dư vị đặc trưng của nó.
Quỳnh Chi(T/h)