Không chỉ gây “thương nhớ” món bún cua thối còn khiến nhiều thực khách khi đến phố núi Pleiku phải tò mò vì cách chế biến cực kỳ đặc biệt. Nhiều người khẳng định, đây là món ngon đáng thử một lần trong đời.
Nước dùng có màu đen và mùi nồng đặc trưng - Ảnh: Tri thức trẻ |
Hình thức và mùi vị chính là hai yếu tố quan trọng giúp thực khách đánh giá độ hấp dẫn của món ăn. Bởi thế mà đa phần đặc sản của các vùng miền đều hội tụ đủ đầy vừa hương vừa sắc để quyến rũ người ăn trong từng giác quan. Tuy nhiên, ở Pleiku (Gia Lai) lại nổi tiếng với một loại bún có cái tên nghe thôi cũng muốn "xa lánh". Đó chính là bún cua thối, món ăn chưa kịp thưởng thức cũng khiến người ta phải e dè.
Bún cua thối hay có nơi còn gọi bún cua thúi. Nguyên liệu của món ăn là cua đồng, có điều cua sẽ không giã nấu tươi bình thường, mà sau khi khi giã, lọc lấy nước, người ta sẽ ủ trong 1 ngày đêm để hỗn hợp lên men và có mùi thì mới mang ra nấu. Nước dùng được lấy từ nước cua nên có màu đen nâu lạ mắt.
Chỉ cần từ xa, bạn cũng có thể ngửi được mùi thum thủm dậy lên từ làn khói nghi ngút tỏa ra. Và cũng bởi lý do này mà nếu phở khô là món ai ai cũng gợi ý bạn nên ăn khi đến Pleiku thì bún cua thối lại là món tuỳ chọn, phụ thuộc vào độ liều của mỗi thực khách.
Bún cua thối được làm từ những nguyên liệu đơn giản - Ảnh: Tri thức trẻ |
Một tô bún cua thối đơn giản chỉ là một nắm bún nhỏ, ít măng, chan xâm xấp nước dùng cua, rồi thêm tóp mỡ hành phi, da heo khô. Dọn kèm bún sẽ là rau sống và trứng vịt om trong nồi nước dùng nếu bạn có nhu cầu. Ngoài ra, chủ tiệm cũng thường dọn thêm chả ram, chả, nem chua để thực khách có thể ăn thêm.
Trộn một ít rau sống, vắt chanh, thêm ớt... đấy là cách thưởng thức bún cua thối đúng chuẩn. Nhờ sự hòa quyện của cái chua chua, cay the nồng nàn này mà tôn lên "mùi thơm" đặc trưng của món ăn.
Chia sẻ trên Thanh niên, thực khách Trần Thị Thành (hiện đang làm việc tại Đà Nẵng nhưng về thăm nhà ở Gia Lai) cho biết: “Lần nào em cũng phải ăn mấy tô. Hôm qua em cũng ăn hôm nay em cũng ăn. Ngày nào em cũng ăn hết, ăn cho đỡ ghiền”. Nói về mùi đặc trưng như lời đồn đại của mọi người với du khách phương xa, Thành cười vui vẻ: “Em ăn quen rồi nên em không thấy mùi gì hết”.
Ngồi đối diện, bà Mai Thị Vương (khách quen của quán bún cua Chi) nhận định: “Cô không nghe mùi thối mà cô vẫn nghe thơm thơm nhưng những người họ không ăn quen thì kêu thum thủm, thối thối”.
Trong khi đó, bạn Ngô Quang Mẫn (học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.Pleiku) thì công nhận: “Em thấy 50 thối – 50 thơm, chưa ăn thì hơi… có mùi thật”.
Người Gia Lai rất mê bún cua thối - Ảnh: Tri thức trẻ |
Có thể thấy rằng, nếu can đảm bỏ qua những nỗi nghi ngại về hình thức lẫn mùi vị, bạn sẽ nhận được một trải nghiệm vô cùng mới lạ. Điểm nhấn của món ăn nằm ở cái mằn mặn của nước dùng hòa lẫn trong miếng thịt béo béo hay chả dai giòn. Vừa cho vào miệng, mùi "thơm" đã vội xộc lên nhưng từ từ dung hòa bằng chút cay the tinh tế.
Tuy món ăn gây nhiều tranh cãi vì độ nặng mùi nhưng phải công nhận bún cua thối đã góp phần tạo nên nét đặc sắc cho nền ẩm thực của Pleiku.
Quỳnh Chi (T/h)