(ĐSPL) - Nho, cam, táo Trung Quốc giá rẻ "đội lốt" trái cây Việt Nam, bày bán khắp thị trường khiến người tiêu dùng chưa hết hoang mang thì cá quả Tàu tiêm thuốc mê đổ về các chợ khiến không ít người giật mình.
Nho “lạ” giá 30.000 đồng/kg bán ngập thị trường
Theo tin tức trên báo Tiền phong, tại thị trường TP.HCM và một số tỉnh lân cận đang xuất hiện một loại nho “lạ” có màu tím nhạt, quả to, vỏ mỏng và không hạt được rao bán khắp nơi dưới mác “nho Ninh Thuận” với giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng/kg.
Nho được bày bán có màu tím nhạt, trái to như nho Mỹ, ít hạt, mỗi chùm nặng từ 500-700 g và nho xanh, trái nhỏ không hạt, ăn có vị chua.
Nho Trung Quốc gắn mác nho Ninh Thuận ngập đường tại TP.HCM (Ảnh Người Lao Động). |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mọi, chủ nhân thương hiệu nho Ba Mọi nổi tiếng ở Ninh Thuận, cho biết tỉnh Ninh Thuận chưa trồng được loại nho xanh không hạt nên nếu trên thị trường, người bán quảng cáo nho xanh không hạt là nho Ninh Thuận chắc chắn không phải. Thêm vào đó, thời điểm này không phải mùa thu hoạch chính của nho Ninh Thuận.
Anh Nguyễn Tấn Bình, một người có kinh nghiệm trồng nho lâu năm ở Ninh Thuận cũng khẳng định loại nho bán trên các tuyến đường hoặc chợ ở TP.HCM không phải nho Ninh Thuận mà là nho Trung Quốc. Người bán lấy hàng ở các chợ đầu mối rồi ghi nho Ninh Thuận giá rẻ để dễ bán.
Thực tế, khảo sát tại các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, khu bán trái cây lại có hàng chục xe tải thùng lạnh đang đổ về, bên trong chứa trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các loại nho xanh, nho đỏ. Những thùng nho được đưa ra khỏi xe đều in chữ Trung Quốc. Khi các tiểu thương mua nho sỉ để đưa về các chợ lẻ thì những người bán rong cũng xuất hiện lấy hàng. Các chủ vựa đổ ra từng thùng nhỏ để người mua lựa hàng, sau đó gắn mác nho Ninh Thuận, Phan Rang vào nên người tiêu dùng khó biết xuất xứ thật.
Trước việc nho Trung Quốc tràn lan trên thị trường, theo khuyến cáo của những người có kinh nghiệm người tiêu dùng cần cẩn trọng quan sát để phân biệt bằng mắt thường để tránh mua phải nho kém chất lượng. Cụ thể, nho Ninh Thuận có 2 loại ăn tươi là nho đỏ và nho xanh. Khi bỏ vào tủ lạnh thì ruột vẫn chặt, không bị nhão. Trong khi đó, nho đỏ Trung Quốc trái to, vỏ mỏng, để trong tủ lạnh lấy ra ruột trở nên bở và nhão.
Cam Trung Quốc “đội lốt” cam Hà Giang ngập đường Hà Nội
Thời gian trở lại đây, hàng loạt các điểm bán cam tươi di động trên các tuyến phố như Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Ngọc Hồi, Mai Dịch, Trần Thái Tông… đều quảng cáo “cam ngọt Hà Giang”, “cam chính hãng”, “cam Việt Nam” thực chất chỉ là cam Trung Quốc “đội lốt”.
Mặc dù phơi nắng cả ngày nhưng cam vẫn luôn tươi xanh và giá lại vô cùng hấp dẫn chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Những quả bị dập hoặc “xấu mã” được bán với giá chỉ còn 7.000 đồng/kg. Để quảng cáo cho cam Trung Quốc này, hầu hết người bán hàng hàng đều khẳng định do cam Hà Giang năm nay đang vào mùa thu hoạch rộ, sai quả nên người dân phải bán rẻ hơn so với mọi năm.
Cam Trung Quốc "đội lốt" cam Hà Giang bày bán trên vỉa hè Hà Nội có mức giá rẻ, nhìn lại mọng nước, tươi ngon. |
Tuy nhiên, Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, tháng 12 dương lịch mới là thời điểm thu hoạch rộ của giống cam đặc sản vùng Tây Bắc này. Theo vị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, loại cam có giá 10.000 - 15.000 đồng/kg đang được bày bán la liệt ở Hà Nội chắc chắn không phải cam Hà Giang.
Nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết cam Hà Giang với cam Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Vinh khuyến cáo: Cam Hà Giang đúng vụ thu hoạch lá sẽ rất già, quả cam có màu hơi rám sẫm thậm chí có thể hơi úa vàng, vỏ xù xì rám nắng không được đẹp mắt.
Cam Hà Giang khi chín quả cùi dày, có hạt, vị ngọt thơm, một số quả chín chưa tới có vị hơi chua mát. Riêng cam xuất xứ từ Trung Quốc, tép mọng nước, màu vàng chanh và đặc biệt không có hạt, cam có vị ngọt sắc.
Cam Hà Giang chỉ có mức giá 10.000 đến 15.000 đồng/kg khi thu mua tại vườn, thời điểm cao nhất 50.000 đồng vào cuối vụ.
Do đó, người tiêu dùng phải lựa chọn cam kỹ trước khi mua, nên mua trái cây ở những cửa hàng có địa chỉ rõ ràng. Táo Trung Quốc dán tem Mỹ bán đầy chợ
Táo Trung Quốc dán tem Mỹ bán đầy chợ
Không chỉ dán mác Mỹ lên trái cây Trung Quốc, nhiều tiểu thương còn dán tem "Cam Nam Phi" lên táo. Hầu như sạp trái cây nào bán táo cũng đều ghi xuất xứ từ Mỹ, New Zealand, Chile, thế nhưng vẫn khá nhiều sản phẩm Trung Quốc trà trộn.
Theo khảo sát tại các chợ ở TP.HCM trên báo VnExpress, trái cây Trung quốc chiếm 50\% tại chợ đầu mối, tuy nhiên, tại các chợ lẻ dường như số lượng lại có dấu hiệu giảm đi.
Đại diện Công ty Rau quả Bình Thuận cũng cho biết thêm, hiện nay trái cây Trung Quốc đội lốt hàng Mỹ, New Zeland trên thị trường rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, thông thường trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Australia có tem sẵn khi được vận chuyển vào Việt Nam và có thêm mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Còn trái cây Trung Quốc khi nhập qua Việt Nam thường không có mã vạch.
Thế nhưng điều bất ổn trên thị trường hiện nay là mỗi công ty nhập khẩu sẽ dán một loại tem riêng, nên khó phân biệt tem thật tem giả. Tuy nhiên, màu sắc và hình dạng trái cây là yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng nên để ý. Thông thường trái cây Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… có hình dạng, trọng lượng, màu sắc đậm hơn so với Trung Quốc.
Tiểu thương dán tem của cam Nam Phi lên trái táo Trung Quốc. (Ảnh VnExpress) |
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho hay, việc các tiểu thương dán tem nhập khẩu giả lên trái cây đã được phát hiện cả chục năm nay và ban quản lý thị trường đã kiểm tra và bắt nhiều vụ. Tuy nhiên, để dẹp bỏ vấn nạn này rất khó, vì khi kiểm tra đơn vị kinh doanh luôn giấu diếm đợi cho đến khi quản lý thị trường “đi khuất” thì lại đem ra bán.
“Hiện nay các loại tem cho trái cây nhập khẩu vẫn in lậu tràn lan và rất khó kiểm soát. Do vậy, để bảo vệ thương hiệu của mình các nhà nhập khẩu phải tự tìm cách thay đổi nhận diện để cho người tiêu dùng phân biệt. Còn người tiêu dùng nên cẩn trọng và quan sát kỹ hơn khi mua hàng”, ông Kiếm khuyên.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức xác nhận, hàng đêm số lượng trái cây Trung Quốc như táo, lê, cam vẫn chiếm 50\% sản lượng trái cây ngoại nhập tại chợ. Tuy nhiên, đối với sản phẩm bán tại đây, chợ vẫn phân thành khu bán sản phẩm rõ ràng. Còn việc phân bổ và bán hàng cho ai và bán như thế nào thì do tiểu thương hợp đồng với khách hàng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, riêng 8 tháng đầu năm 2014, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm tới 57\% tổng lượng táo nhập khẩu. Mặt hàng cam có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 88\% tổng lượng cam nhập về trong năm 2013.
Cá quả Tàu tiêm thuốc mê đổ về chợ
Người tiêu dùng chưa hết "ám ảnh" với trái cây Trung Quốc, thì lại phát hoảng khi thấy cá cũng bị nghi là “cá Tàu”. Nhiều tiểu thương tiết lộ, một số loại cá còn bị tiêm thuốc mê để “ngủ đông” trước khi nhập vào Việt Nam.
Theo tin tức trên báo Vietnamnet, mặt hàng này hiện đang rất sẵn ở các chợ của Việt Nam. Đặc biệt, loại cá này có giá rất rẻ. Loại cá nhỏ được bán buôn với giá 60.000-65.000 đồng/kg, loại cá lớn cũng chỉ dao động 70.000-80.000 đồng/kg.
Cá quả Trung Quốc có màu đen trũi và khi mổ, bụng cá có rất nhiều mỡ. (Ảnh Vietnamnet) |
“Nếu cá quả Trung Quốc có màu da đen sậm, nhẵn bóng như da rắn thì cá quả Việt Nam lại có màu hơi ngả vàng. Bụng cá quả Trung Quốc khi mổ sẽ nhiều ruột và nhiều mỡ, trong khi cá quả ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại”, chị Trần Thị Lý, một tiểu thương chuyên bán cá ở chợ đầu mối Long Biên cho biết.
Khi nhiều người mua lăn tăn tại sao cá quả chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam mà cá vẫn giãy khỏe, một nhà phân phối loại cá này cho biết: Không chỉ có loại cá cao cấp như cá tầm, cá quả cũng là một loại cá được nhập nhiều từ Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Để đảm bảo cá còn sống khi về Việt Nam, người ta tiêm vào cá một lượng nhỏ thuốc mê sau đó mới cấp đông nhẹ. Hiện, giá thành của 1kg cá quả chỉ tương đương 1kg cá trắm cỏ loại to nên được rất nhiều người lựa chọn.
Nếu cá quả Việt Nam có mùi tanh khi mới sơ chế, thì cá Trung Quốc độ nhớt và độ tanh ít hơn. Thịt cá khi luộc chín thịt cứng, không thơm và dẻo như cá quả Việt Nam.