Sơ ý làm đổ chai hóa chất rửa bồn cầu, anh Hiền đã bị bỏng nặng ở vùng mặt, cổ và tay.
Theo thông tin đăng tải trên báo Tri thức trực tuyến, ngày 6/10, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho hay bệnh nhân Hiền (31 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện vào ngày 2/10 trong tình trạng bỏng độ sâu ở vùng cằm, ngực và tay. Do bệnh nhân bỏng kiềm (ba-zơ) không được sơ cứu ban đầu nên chất tẩy rửa ăn sâu vào mô, lớp mỡ của da khiến việc điều trị sau này trở nên khó khăn hơn.
Báo Dân trí dẫn lời anh Hiền cho biết, trong lúc đang loay hoay cọ rửa bổn cầu, anh sơ ý làm đổ chai hóa chất nên bị dung dịch bắn vào. Những vùng da bị hóa chất bám vào ngay lập tức bỏng rát nên anh được gia đình đưa đến Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM điều trị.
Hình ảnh một bệnh nhân bị bỏng hóa chất trước đó - Ảnh: báo Thanh niên |
Về trường hợp của anh Hiền, BS Trần Lê Hồng Ngọc cho biết, mặc dù đã đến bệnh viện ngay sau khi bị hóa chất văng trúng người nhưng vết bỏng chưa được sơ cứu ban đầu nên dung dịch đã ăn mòn gây bỏng sâu việc điều trị sẽ khá khó khăn, kéo dài.
Theo TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mĩ BV Trưng Vương, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị phỏng do các loại hóa chất tẩy rửa gây ra. Thông thường, trong các loại hóa chất tẩy rửa bồn cầu, thông cống có chứa axit hoặc kiềm. Khi dính lên cơ thể người, sẽ phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ bên ngoài vào trong.
Bác sĩ khuyến cáo, cộng đồng cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng hóa chất tẩy rửa. Nếu cất giữ hóa chất trong nhà cần để xa tầm với của trẻ em.
Trường hợp bị hóa chất bắn trúng, để hạn chế tình trạng tổn thương sâu người bị nạn cần rửa vết thương liên tục dưới vòi nước sạch khoảng 20 đến 30 phút trước khi đến bệnh viện.
Hoàng Giang (T/h)