+Aa-
    Zalo

    Hé lộ về cô giáo chuyển thể Vợ nhặt thành thơ và tâm sự dạy học mùa Covid

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một giáo viên dạy Văn ở Bạc Liêu đã dồn nhiều tâm huyết “chuyển thể” truyện thành những bài thơ để truyền cảm hứng ôn bài cho học sinh.

    Với mong muốn học sinh nắm được cái “hồn” của những tác phẩm văn học, một giáo viên dạy Văn ở Bạc Liêu đã dồn nhiều tâm huyết “chuyển thể” truyện thành những bài thơ để truyền cảm hứng ôn bài cho học sinh trong thời gian dài nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19. PV ĐS&PL đã tìm gặp cô giáo này để nghe những tâm sự về nghề giáo, việc dạy học.

    Tìm sự đồng điệu và khích lệ học sinh vượt qua dịch Covid-19

    Tác phẩm Vợ nhặt được cô giáo Lê Ngọc Giàu chuyển thể thành thơ trong mùa dịch Covid-19.

    “Nụ cười thân thiện, nhẹ nhàng, tính cách giản dị và dịu hiền” là ấn tượng đầu tiên trong cảm nhận của PV ĐS&PL khi tiếp xúc với cô giáo Lê Ngọc Giàu (SN 1981, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Nguyễn Trung Trực, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Nhắc đến cô Giàu, hầu hết học sinh, phụ huynh và giáo viên các trường khác ai cũng biết. Họ biết đến cô bởi những ngày qua trên các trang mạng xã hội cô liên tục chia sẻ những sản phẩm được cô “chuyển thể” từ truyện thành thơ để học sinh dễ nhớ và dễ thuộc.

    Là giáo viên dạy môn Ngữ văn nên tình yêu thơ văn thấm đẫm vào tâm hồn cô từ những ngày còn đi học. Cho đến khi ra trường đi dạy, trong một lần cô Giàu xem trên tivi phát sóng chương trình nói về ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2018, khiến cô rất xúc động đến bật khóc. Cảm xúc dâng trào nên trong vòng khoảng 35 – 40 phút, cô đã làm được hai bài thơ nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. “Kể từ hai bài thơ đó, tự nhiên mình cảm giác sẽ làm thơ và sau đó cho ra đời nhiều tác phẩm như vậy”, cô Giàu tâm sự.

    Nói về việc “chuyển thể” từ truyện thành thơ áp dụng vào môi trường học đường, cô Giàu cho biết, trong thời gian dài nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, cô trăn trở làm thế nào để học sinh có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái giá trị của từng tác phẩm văn học nên cô đã suy nghĩ cách để tìm sự đồng điệu giữa các em học sinh với văn chương. Do đó, những tác phẩm dài hay những tác phẩm khó hiểu, cô Giàu “chuyển thể” chúng thành thơ theo cảm nhận, cảm xúc của bản thân cô. Cùng với đó, cô thấy các con ở nhà chơi tô màu nên nảy sinh ra ý tưởng vẽ phác họa cho những bài thơ mà cô “chuyển thể”.

    Cô Lê Ngọc Giàu chia sẻ: “Theo cảm nhận của riêng cá nhân tôi, tuổi trẻ thường thích những tranh ảnh màu mè. Với lại, tôi nghĩ khi mình viết tay sẽ dễ chạm vào trái tim của các em hơn là đánh máy. Tôi cũng mong muốn các em nhìn vào để suy ngẫm, trân trọng hơn những sản phẩm của mình, từ đó nếu có thể các em cũng sẽ tập gò chữ và viết theo, ít nhất cũng rèn cho các em sự chăm chỉ cẩn thận và tỉ mỉ. Những bài thơ này là cảm xúc và mong muốn ôn lại những kiến thức cơ bản cho các em qua thời gian nghỉ học khá lâu, xem như khởi động để trở lại cho một giai đoạn mới cần chú tâm và bứt phá...”.

    Mỗi sản phẩm cô Giàu “ra mắt” trong mùa dịch đều chứa đựng cả tâm huyết của mình, kèm theo đó là những lời nhắn cũng không kém phần dễ thương, nhí nhảnh như: “Cùng khởi động ôn bài bằng thơ cho ngày mai “trở lại thật lợi hại” nhé” hay “những cảm xúc đánh rơi thành thơ! Vẫn kèm theo những hình ảnh minh họa nhỏ xíu”...

    Cô Lê Ngọc Giàu. (Ảnh nhân vật cung cấp).

    Vui mừng khi sản phẩm được học sinh nhiệt tình đón nhận

    Nói đến đây, “người lái đò” vẫn hăng say kể về những câu chuyện giảng dạy mà mình từng trải, cô nói: “Có nhiều học sinh năng lực cảm thụ văn học còn hạn chế, một số em tiếp thu chậm, làm chất lượng dạy học trong tiết đó cũng bị chậm nhịp. Thế nhưng, kể từ khi “dụ” các em bằng những vần thơ thì tiết học trở nên sôi nổi và mới mẻ hơn. Thành quả lao động của tôi không chỉ được học sinh yêu thích mà quý phụ huynh cũng rất tâm đắc. Thật sự, tôi cảm thấy rất thích thú. Nó giống như mình tìm được tri ân vậy đó...”.

    Như muốn PV hiểu rõ hơn việc “chuyển thể” thơ từ truyện của mình, cô Giàu vội lấy quyển nhật ký trong cặp lật từng trang nhẹ nhàng. Khi đến tác phẩm “Tấm Cám” , cô cho biết mình đã “chuyển thể” truyện này thành hai bài thơ: Một bài là kể lại chặng đời của cô Tấm có những sự kiện nào diễn ra để các em dễ nhớ, dễ nắm bắt tác phẩm và vận dụng viết bài văn tự sự như: Cô Tấm là ai; cô Tấm đã trải qua những gì;... bài còn lại là nói về giá trị giáo dục cùng với đó là những lời khuyên các em học sinh cần phải rút ra bài học từ những tác phẩm dân gian: “Cổ tích diệu kỳ cho ta những điều hay/ Bài học giản đơn mà tuyệt vời sâu sắc/ Ta hãy nhớ khi cuộc đời bất trắc/ Cứ THIỆN LÀNH – HẠNH PHÚC ắt về ta”.

    Theo cô Lê Ngọc Giàu, trong số những bài thơ “thời dịch Covid-19”, cô cảm thấy ấn tượng, ưng ý nhất chính là bài “Em người vợ nhặt” được chuyển thể từ tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. Cô thích vì đơn giản chỉ là cô cảm thấy thương xót cho số phận của nhân vật. Bởi, truyện đã thể hiện rõ giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc, khẳng định khát vọng sống mãnh liệt của con người, đồng thời phát hiện, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp con người dù có rơi vào cảnh khốn cùng họ vẫn khát khao hạnh phúc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Trong nạn đói khi những giá trị vật chất trở nên xa xỉ thì tình thương, sự cảm thông đã khiến con người sống nhân văn hơn, hoàn thiện hơn”. Ví dụ cô đã “thơ hóa” tác phẩm Vợ nhặt như sau:

    “Em được nhặt về từ một bận đùa chơi Từ câu hò tầm phơ tầm phào giữa chợ Bởi cái đói nên lâm vào đường khó Em đành liều “theo không” chẳng nghĩ suy”...

    Tiếp xúc với cô Giàu chỉ vỏn vẹn khoảng chừng 40 phút khi cô tranh thủ thời gian trống tiết 3 nhưng PV cảm nhận được lòng yêu nghề, sự hăng say trong công việc và sự tận tụy, nhiệt tình trong công tác. Những bài thơ của cô luôn chứa đựng cảm xúc về tình yêu thơ văn đối với văn học Việt Nam, cùng với đó là tình yêu học trò vô bờ bến.

    Việt Tâm

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật thứ 7 (số 20)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-ve-co-giao-chuyen-the-vo-nhat-thanh-tho-va-tam-su-day-hoc-mua-covid-a324386.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan