Theo thông tin về Khảo sát Chuyên gia nước ngoài lần thứ 10 do Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC công bố, trung bình chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam kiếm được 88.096 đô la Mỹ mỗi năm.
Ảnh minh họa |
Với mức thu nhập trên 36% số chuyên gia nước ngoài có thu nhập tăng 25% khi chuyển tới Việt Nam. Gần ¾ số chuyên gia này cho biết họ tiết kiệm được nhiều hơn và 2/3 đồng ý rằng thu nhập khả dụng của họ đã cải thiện hơn so với khi họ ở quê nhà. Mục đích chủ yếu của việc tiết kiệm hoặc đầu tư vẫn là hưu trí, kế đó là mua thêm hoặc mua bất động sản đầu tiên.
Tuy nhiên, liên quan đến sở hữu nhà ở, chưa đầy 1/5 (18%) trong số họ có sở hữu bất động sản tại Việt Nam, chỉ bằng phân nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Có 43% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam chưa sở hữu bất cứ bất động sản nào tại đây hoặc tại quê nhà của họ.
Theo khảo sát, các chuyên gia cũng nhận được các lợi ích vật chất khác khi chuyển ra nước ngoài sinh sống. 48% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam nói rằng họ có nhiều kỳ nghỉ hơn, đồng thời tận hưởng nhiều hơn các dịch vụ liên quan đến nhân lực địa phương như giúp việc và chăm trẻ (46%), và có nơi ở tiện nghi hơn (45%).
Có ba lý do phổ biến nhất khiến các chuyên gia nước ngoài chuyển đến Việt Nam là tìm kiếm một thách thức mới, cải thiện chất lượng sống và đi theo lệnh điều chuyển của công ty. Với các kỳ vọng này, 47% đồng ý rằng Việt Nam là một nơi tốt để họ phát triển sự nghiệp.
Có tới 79% các các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam nhận được các ưu đãi cộng thêm trong hợp đồng lao động, phổ biến nhất là phụ cấp y tế và chăm sóc sức khỏe (49%), phụ cấp chỗ ở và phụ cấp vé máy bay về thăm nhà hằng năm (đều 42%). Các tỷ lệ này tính trung bình toàn cầu lần lượt là 44%, 20% và 19%.
Đáng chú ý, hai phần ba các chuyên gia nước ngoài cho biết họ cảm thấy lạc quan về kinh tế Việt Nam nhưng những vấn đề có thể ảnh hưởng lớn nhất đến an toàn tài chính của họ chính là những hạn chế đối với chuyển tiền quốc gia, tỷ giá ít cạnh tranh và sự bất ổn của kinh tế thế giới.
Việt Nam vẫn khá cạnh tranh trong mắt các chuyên gia nước ngoài khi xét về các yếu tố kinh tế. Việt Nam xếp thứ 16 trong bảng xếp hạng Kinh tế, cao thứ hai (sau Singapore, hạng 4) trong số 6 quốc gia ASEAN được xếp hạng (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, and Việt Nam).
Tuy nhiên, Việt Nam nhận được những phản hồi kém tích cực hơn khi xét đến các tiêu chí Trải nghiệm và Gia đình. Chỉ 28% các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam cho rằng Việt Nam mang đến cho họ chất lượng sống (từ chăm sóc sức khỏe đến văn hóa) tốt hơn so với quê nhà, so với tỷ lệ trung bình 52% chuyên gia nước ngoài trên toàn cầu nhận xét tương tự về quốc gia nơi họ đang sống và làm việc.
Đề cập đến trải nghiệm ban đầu khi đến Việt Nam, chỉ 1/4 các chuyên gia nước ngoài hài lòng với việc quản lý tài chính cá nhân và chưa đầy 1/3 (30%) không gặp trở ngại với các dịch vụ y tế (các tỷ lệ trung bình toàn cầu tương ứng là 43% và 47%).
Bên cạnh đó, chỉ hơn 1/4 (27%) các chuyên gia nước ngoài đã làm cha mẹ đồng ý rằng tại Việt Nam họ có điều kiện để chăm sóc con cái tốt hơn so với tại quê nhà, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 43%.
Các nhận định này dẫn đến vị trí thứ 30 của Việt Nam trên Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về mọi mặt cho chuyên gia nước ngoài, giảm 11 bậc so với vị trí trên Bảng xếp hạng năm ngoái.
Thiên Di