Theo thông tin từ kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng những thủ đoạn gian dối để lập phương án rút, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân tiền từ SCB.
Thông tin từ kết luận cho thấy, dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, nhưng bà Trương Mỹ Lan lại là người chi phối, lũng đoạn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này với vai trò là cổ đông lớn khi nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Để hợp thức việc rút tiền, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, bà Lan chỉ đạo các bị can tại SCB và Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của những cá nhân, pháp nhân "ma" hoặc cho họ rút tiền mặt để "cắt đứt dòng tiền".
Khi cần sử dụng ngay một số tiền mặt, bà Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe riêng) đến SCB chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền. Cùng lúc đó, nhân viên SCB sẽ liên hệ với người của Vạn Thịnh Phát yêu cầu cung cấp pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền... lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt.
Sau đó, những cá nhân/đại diện pháp nhân "ma" sẽ đến ngân hàng để ký chứng từ rút tiền. Tiền mặt sẽ được xuất khỏi quỹ, giao cho Dũng. Tài xế của bà Lan sau đó sẽ chở tiền về nhà Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ở tòa nhà Sherwood (quận 3, TPHCM), giao cho một cá nhân tên Trần Thị Hoàng Uyên. Uyên theo chỉ đạo của bà Lan giao tiền cho những người đến nhận và không lưu trữ, ghi chép gì về người nhận tiền.
Một phương thức khác được nêu trong kết luận điều tra là Dũng sẽ chở tiền từ ngân hàng về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở số 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1 TPHCM), giao theo chỉ đạo của bà Lan hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân mà bà Lan yêu cầu.
Kết quả điều tra xác định, từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022, Dũng đã vận chuyển khoảng 108.878 tỷ đồng và hơn 14,757 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhà của bà Lan hoặc đưa, giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của nữ chủ tịch tập đoàn.
Khi chưa cần sử dụng tiền mặt, bà Lan chỉ đạo cấp dưới tại SCB và Vạn Thịnh Phát sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này. Khi cần sử dụng, các đối tượng sẽ lập ra phương án chuyển tiền lòng vòng, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Lan.
Bằng các thủ đoạn nêu trên, Bộ Công an xác định, theo chứng từ giải ngân; việc chuyển tiền giải ngân vốn vay đến các tổ chức, cá nhân; tra thông tin chuyển tiền cho đến khi tiền ra khỏi hệ thống SCB, ngân hàng ghi nhận tiền đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền) từ các cá nhân, pháp nhân được giải ngân theo phương án vay vốn trên.
Kết luận điều tra đã chỉ đường đi dòng tiền của 1.284 khoản vay, tương đương 483.917 tỷ đồng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Cụ thể, 57.029 tỷ đồng được trả khoản vay cũ tại SCB; 381.303 tỷ đồng được tổ chức/cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB; 5.275 tỷ đồng được tổ chức/cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB; 81.873 tỷ đồng được rút thành tiền mặt.
XEM THÊM: Vụ án Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB: Lý do 7 thanh tra viên trong đoàn không bị xử lý hình sự
Theo thông tin từ kết luận điều tra, cơ quan điều tra đã tách vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu và rửa tiền để tiếp tục điều tra, xử lý và thu hồi triệt để tài sản để khắc phục hậu quả cho vụ án.
Trung Hiếu - Khánh Ngân