Theo thông tin từ kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đưa tài sản đảm bảo không đủ pháp lý, nâng khống giá trị... để rút ruột Ngân hàng SCB.
Theo đó, ngoài việc sử dụng các công ty "ma", thuê/nhờ nhiều cá nhân đứng tên, lập các phương án vay vốn khống, bà Lan và đồng phạm còn dùng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần để rút vốn vay của SCB.
Theo lời khai của bà Trương Mỹ Lan, liên quan đến việc Ngân hàng SCB cấp tín dụng cho các khách hàng, bà Lan trao đổi, chỉ đạo các bị can Nguyễn Thị Thu Sương, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Trương Khánh Hoàng, quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB hoặc Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB. Các bị can sẽ thông báo cho bà Lan biết để tìm phương án xử lý.
Để xử lý các khoản vay này, bà Trương Mỹ Lan đi gặp bạn bè để mượn tài sản (hoặc dự án) hoặc lấy tài sản của mình sử dụng làm tài sản đảm bảo để đưa vào SCB vay tiền ra xử lý các khoản vay trước. Các tài sản đảm bảo thấp hơn nhiều giá trị số tiền rút ra. Để giải quyết việc này, bà Trương Mỹ Lan khai phải thuê Thẩm định giá nâng giá trị tài sản đảm bảo. Những việc này sau khi báo cáo với bà Lan, lãnh đạo Ngân hàng SCB qua các thời kỳ sẽ chủ động phân công cán bộ nhân viên SCB và những người liên quan thực hiện.
Cũng theo thông tin từ kết luận điều tra, đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách được SCB ghi nhận, phân bổ là hơn 1,2 triệu tỷ đồng.
Trong đó, 726 mã tài sản có giá trị sổ sách phân bổ là hơn 643.000 tỷ đồng được Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá lại, chỉ còn hơn 253.000 tỷ đồng; 440 mã tài sản còn lại có giá trị phân bổ sổ sách là hơn 622.000 tỷ đồng nhưng Công ty Hoàng Quân không định giá lại vì đây là các cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản...
Điển hình của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là dự án Mũi Đèn Đỏ. Cụ thể, SCB đã giải ngân 137 khoản vay cho 100 khách hàng dùng tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ. Dư nợ hiện tại là hơn 133.000 tỷ đồng gồm cả gốc và lãi. Tài sản đảm bảo trên sổ sách đối với nhóm khách hàng trên là hơn 584.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi định giá lại, giá trị tài sản đảm bảo thực tế chỉ còn vỏn vẹn 22.003 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà Lan cùng đồng phạm còn hoán đổi, rút tài sản có pháp lý, có giá trị để bán nhằm rút ruột Ngân hàng SCB. Theo kết luận điều tra, trong số 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát), có 240 tài sản đảm bảo cho 430 khoản vay bị hoán đổi tài sản đảm bảo. Cá biệt, có khoản vay bị hoán đổi tới 12 lần. Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trên sổ sách là hơn 487.000 tỷ đồng. Sau khi bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm, giá trị còn lại trên sổ sách là hơn 351.000 tỷ đồng.
XEM THÊM: Hé lộ về 2 "trợ thủ" người nước ngoài giúp bà Trương Mỹ Lan thao túng tại ngân hàng SCB
Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân đã định giá được 260/278 tài sản đảm bảo, tổng giá trị còn lại tính đến ngày 30/9/2022 chỉ là hơn 108.000 tỷ đồng. Trong số 240 tài sản bảo đảm bị hoán đổi thì có 67 tài sản đã bị xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của SCB, có nhiều tài sản có giá trị lớn, chuyển thành nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu như tòa nhà Sherwood Residence (127 Pasteur), tòa nhà 66 Phó Đức Chính (TPHCM). Nhiều tài sản bị xuất ra đã được chuyển nhượng cho bên khác hoặc chuyển sở hữu nước ngoài, không thể kê biên, phong tỏa.
Khánh Ngân