+Aa-
    Zalo

    Hậu quả xã hội khôn lường từ "hội chứng tâm lý đám đông"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong đời sống xã hội hiện nay đang hình thành một thứ hội chứng hành động theo phong trào, theo số đông, có nguy cơ trở thành lối sống rất... phi văn hóa.

    (ĐSPL) - Trong đời sống xã hội hiện nay đang hình thành một thứ hội chứng hành động theo phong trào, theo số đông, có nguy cơ trở thành lối sống rất... phi văn hóa.

    "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Thương người như thể thương thân", "Miếng ăn là miếng nhục"... là những bài học được thế hệ trước truyền dạy với những mong muốn tốt đẹp về văn hóa, đạo lý làm người.

    Vậy nhưng, trong đời sống xã hội hiện nay đang hình thành một thứ hội chứng hành động theo phong trào, theo số đông, có nguy cơ trở thành lối sống rất... phi văn hóa.

    Thời gian gần đây hàng loạt các sự việc đau lòng diễn ra như công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác; Đổ xô, chen lấn trong một sự kiện nào đó vì cái lợi cá nhân, thậm chí chỉ vì... được ăn; Hành hung tập thể... Có thể nói hội chứng trên đã trở thành một thứ bệnh nặng, cần cảnh báo, tìm cách “chữa chạy” để nhiều người phải xem lại mình.

    Hậu quả xã hội khôn lường từ
    Những hình ảnh xấu trong vụ hôi bia - (Ảnh: Internet).

    Người rơi nước mắt, kẻ nhanh tay vồ

    Sự việc cụ thể minh chứng và gây sốc trong thời gian gần đây là hành động hôi bia xảy ra cách đây 2 tháng tại tỉnh Đồng Nai khiến dư luận vô cùng bất bình với những hình ảnh vô cùng phản cảm. Đó là trường hợp của tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định), người bị cướp hơn 1.000 thùng bia vào trưa ngày 4/12/2013. Tài xế Hậu chở bia từ TP.HCM đi Bình Thuận. Khi đến vòng xoay Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) thì gặp sự cố khiến hơn 1.000 thùng bị đổ xuống đường. Hàng trăm người đã lao vào hôi của mặc dù tài xế đã van xin nhưng vô ích và hoàn toàn bất lực cam chịu đứng nhìn đám đông không những không tỏ ra đồng cảm giúp đỡ mình mà họ còn vô cùng hớn hở nhặt lấy nhặt để, chở bằng hết những thứ không thuộc về mình một cách ngang nhiên. Hình ảnh đó khiến chúng ta đau lòng về một thực trạng xã hội và sự thiếu liêm sỉ của đám đông này.

    Sau khi sự việc xảy ra, dư luận bất bình trước hành động của những người này và dấy lên một làn sóng phản đối những kẻ đã nhẫn tâm chiếm đoạt tài sản của người bị nạn. Cơ quan công an đã vào cuộc, khởi tố vụ án "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" để điều tra hành vi của hàng chục người liên quan đến việc "hôi" trên 1.000 thùng bia.

    Những tưởng, sau vụ việc xảy ra với anh Hậu, với những sự công kích, dè bỉu, miệt thị của dư luận, sự vào cuộc xử lý của luật pháp đối với những người tham gia hôi của sẽ là bài học, lời cảnh tỉnh về sự giữ gìn liêm sỉ của mỗi người, văn hóa tự trọng của mỗi người.

    Ấy vậy mà, mới đây thông tin về một vụ hôi của có tính chất nghiêm trọng hơn lại diễn ra tại Quảng Bình trong một vụ tai nạn vận tải. Thông tin về vụ việc được xác định, một xe container chở nhãn tươi nhập từ Thái Lan của Công ty cổ phần Bích Thị với tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng đã bị tai nạn vào trưa ngày 21/1/2014 tại một xã thuộc huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Thùng chứa hàng của chiếc xe container bị vỡ làm hàng trăm thùng nhãn văng ra ngoài.

    Như có được cơ hội “trời cho”, một số người dân và nhiều hành khách đi xe gần đó đã lao vào hôi nhãn trước sự bất lực của tài xế. Mặc dù chủ hàng đã liên hệ với công an địa phương để bảo vệ hiện trường và tài sản nhưng cũng không đủ sức can thiệp. Hình ảnh người dân tranh nhau "hôi nhãn", nhìn chiếc thuyền chở đầy những thùng nhãn lấy được của người bị nạn đã khiến những người có liêm sỉ không nén được tiếng thở dài ngao ngán.

    Bất bình về những vấn đề này, bà Dương Thu Hà (giáo viên trường tiểu học Chu Văn An, Hà Nội) chia sẻ: "Chúng ta đã được dạy, được học về tính thật thà, tự trọng, về lòng nhân ái nhưng hình như điều này không tồn tại trong một bộ phận của xã hội hiện nay. Những người này không chỉ có tính gian, mà còn có tính tham. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để trục lợi cho bản thân. Ở nhà, ông bà bố mẹ thường dạy con trẻ phải thật thà, không được làm những điều gian dối. Đến trường, các thầy cô dạy học sinh phải trung thực, ra đường nhặt được của rơi phải trả lại người đánh mất.

    Bên cạnh đó, sự giáo dục của gia đình và nhà trường hướng con người đến tính nhân ái, yêu thương đồng loại, khi thấy người khác gặp hoạn nạn, cần ra tay giúp đỡ họ. Những sự việc trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ con trẻ bây giờ. Và nếu những bậc phụ huynh không nghiêm túc nhìn lại hành động của mình, việc giáo dục đạo đức cho con em chúng ta sẽ đi về đâu". 

    Ăn miễn phí, đánh hội đồng

    Sự kiện chen chân ăn buffet miễn phí diễn ra tại một nhà hàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cuối năm 2013 lại khiến cho chúng ta có một cảm giác ngậm ngùi khác. Dòng người xếp hàng, chờ đến lượt vào ăn buffet Nhật miễn phí đông nghìn nghịt. Càng gần giờ ăn, số lượng người đến càng đông, tràn xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông. Thậm chí, một số người còn chen lấn, xô đẩy chỉ với mong muốn dành được một phần ăn cho mình. Nhân viên cửa hàng đã phải làm việc hết công suất song cũng không thấm vào đâu so với lượng khách ghé thăm.

    Với số lượng phần ăn giới hạn (sáng và chiều là 180, tối là 280 người) mà lượng khách đến cả nghìn người khiến cho cửa hàng rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều người xếp hàng cả tiếng vẫn chưa đến lượt, một số khác đành phải chấp nhận ra về. Chứng kiến cảnh tượng trên giữa lòng Thủ đô, nhiều người cảm thấy xấu hổ.

    Cũng là hội chứng của đám đông nhưng sự việc xảy ra tại Thái Nguyên lại dấy lên sự sợ hãi, lên án của dư luận vì đây là sự việc mang đậm tính chất của vụ án hình sự. Vào ngày 9/1, tại khu vực nhà máy Samsung Thái Nguyên xảy ra vụ xô xát giữa lực lượng bảo vệ của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Hòa Bình (Ba Đình, Hà Nội) và nhiều công nhân đang thi công tại cổng số 3 của nhà máy Samsung Thái Nguyên.

    Vụ việc sau đó khiến số đông công nhân bức xúc và quá khích, tấn công lại lực lượng bảo vệ và đốt phá hủy, 3 vỏ thùng container làm nhà ở tạm và là nơi làm việc của lực lượng bảo vệ. Ngoài ra 22 chiếc xe máy cũng bị thiêu rụi hoàn toàn và 10 chiếc bộ đàm cùng nhiều tài sản khác của lực lượng bảo vệ cũng bị phá hủy. Vụ việc xô xát xảy ra ước tính ban đầu có hàng ngàn người tham gia, sau đó số người tham gia tăng dần theo cấp số nhân. Đám đông vây kín toàn bộ nhân viên bảo vệ của Công ty Hòa Bình trong container.

    Công an tỉnh Thái Nguyên đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo giải quyết vụ việc. Khi lực lượng công an có mặt, rất nhiều công nhân quá khích đã dùng đá, gạch ném dữ dội nhằm cản trở việc giải cứu các nhân viên bảo vệ. Vụ việc xảy ra khiến 13 người bị thương và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện (trong đó có 11 người là nhân viên bảo vệ và 2 người là công an. Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khởi tố vụ án để điều tra. 4 công nhân đang làm việc cho công trường nhà máy SamSung Thái Nguyên bị khởi tố bắt tạm giam về hành vi gây rối trật tự công cộng.

    Quan điểm về hội chứng đám đông, giảng viên Trần Hùng (ĐHSP Hà Nội 2) cho rằng: Căn nguyên sâu xa của tệ nạn hôi của cũng như nhiều vấn nạn khác có lẽ do trách nhiệm cá nhân đã bị coi nhẹ trong cộng đồng, tâm lý đám đông đã ngấm vào máu, họ tặc lưỡi thêm mình vào nữa đâu có sao. Hôi của xuất phát từ lòng tham vô đáy và sự ích kỷ. Họ ý thức được đó không phải là tài sản của mình nhưng lại dung túng bản thân, cho mình cái quyền ngang nhiên chiếm đoạt. Sự tham lam vô lối đã lấn át lý trí và lòng tự trọng, khiến họ có thể biết rõ việc mình làm là sai nhưng vẫn làm, bỏ qua việc bị cả xã hội lên án. 

    “Miếng ăn là miếng nhục”

    Khi ra tay đánh người hùa theo số đông liệu họ có ý thức được việc đúng sai, luân thường đạo lý hay cái giá mà mình phải trả. Rõ ràng, tất cả chỉ là sự a dua, xô bồ, ích kỷ bản thân... Sự hiểu biết, lòng tự trọng, tự lên án bản thân, chiến thắng cái tôi tham lam của mỗi người mới là điều quan trọng để xây dựng nền văn hoá ứng xử tương thân tương ái, mình vì mọi người. Các cụ dạy “miếng ăn là miếng nhục”, rất đáng để suy ngẫm và xem lại tâm lý đám đông hoặc cá nhân.

    PV

    Xem thêm clip Nhóm thanh niên xúm lại nhặt giúp xấp tiền rơi ngoài đường:

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hau-qua-xa-hoi-khon-luong-tu-hoi-chung-tam-ly-dam-dong-a22088.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    “Hội chứng” chụp, chiếu, xét nghiệm rồi... để đó!

    “Hội chứng” chụp, chiếu, xét nghiệm rồi... để đó!

    Nhiều bệnh viện cứ có bệnh nhân vào cấp cứu là làm đủ xét nghiệm, chụp XQ, siêu âm... với người có bảo hiểm chi trả thì chỉ phải trả 10\% tiền phí dịch vụ, nhưng với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm thì số tiền thanh toán không nhỏ.