Đợt nghỉ lễ dài ngày 30/4, 1/5 năm nay "đến hẹn lại lên" nạn "chặt chém" vẫn hoành hành.
1 triệu đồng/kg ghẹ
Mới đây, trên một số diễn đàn đã đăng tải hình ảnh hóa đơn tính tiền về một bữa ăn tối 2/5 tại nhà hàng Chinh Thủy (TP , Thanh Hóa) với tổng số tiền phải thanh toán hơn 3,8 triệu đồng.
Cũng theo thông tin được đăng tải thì nhóm khách này đã ăn một số món hải sản tại nhà hàng trên, trong đó, có món ghẹ hấp với giá 1 triệu đồng/kg. Theo hóa đơn, nhóm khách đã ăn 2,6 kg ghẹ và phải trả số tiền 2,6 triệu đồng.
Hóa đơn thanh toán.
Nhiều ý kiến sau đó đã cho rằng, với giá ghẹ lên tới 1 triệu đồng/kg như vậy là quá đắt và nhà hàng đã "chặt chém" khách.
Trao đổi với Trithuctre, đại diện nhà hàng Chinh Thủy cho biết, đã nắm được thông tin về hóa đơn thanh toán của một nhóm khách đưa lên mạng xã hội và hoàn toàn không có chuyện "chặt chém", bán đắt.
Về mức giá ghẹ 1 triệu đồng/kg trong hóa đơn, vị đại diện cho hay, mức giá này đã được niêm yết rõ ràng tại bảng của nhà hàng.
"Ở đây, mỗi người một ý kiến nhưng mình có qua nhà hàng xem chất lượng ghẹ như thế nào, con ghẹ to 3 hay 4 lạng/con, giá cả có niêm yết công khai hay không và ở thị trường thì giá ghẹ như thế là bao nhiêu.
Còn thực chất, các con ghẹ bán ở nhà hàng đều to từ 3 - 4 lạng/con và giá chúng tôi nhập vào đã hơn 700.000 đồng/kg nên việc bán với giá 1 triệu đồng/kg là bình thường. Bởi còn công phục vụ, địa điểm nhà hàng đẹp...
Ngoài ra, mức giá này chúng tôi cũng niêm yết công khai trên bảng, khách đồng ý với giá thì gọi, sử dụng chứ không phải giấu giếm gì", vị đại diện nhà hàng nêu rõ.
Cũng theo vị đại diện này, có thể ở Côn Đảo, Đà Nẵng, Hạ Long.... giá ghẹ chỉ vài trăm nghìn đồng/kg nhưng mỗi địa phương lại có giá bán khác nhau và vào thời điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa rồi, lượng khách quá đông dẫn đến ghẹ ở Sầm Sơn còn "không có mà mua".
"Trong hóa đơn của nhóm khách hàng này, nếu mọi người để ý sẽ thấy, họ còn là người quen của anh đầu bếp trưởng nên được giảm giá 10% và đương nhiên, vì là khách quen của đầu bếp nên chẳng ai lại đi lấy giá chặt chém như một số ý kiến đưa ra cả", vị đại diện nhấn mạnh.
Ông này cũng bày tỏ, không muốn giải thích nhiều về việc này và mọi người nếu muốn biết thì có thể đến nhà hàng để xem thực tế cho rõ ràng.
"Nếu ở Sầm Sơn thì nhà hàng chúng tôi thuộc diện đông nhất và không phải ngẫu nhiên được như thế. Còn bây giờ, người ta muốn bôi xấu mình thì đưa lên như vậy nên tôi cũng không muốn giải thích nhiều.
Trước đây, chúng tôi cũng đã gặp phải việc này nên để thực tế, mọi người hãy qua nhà hàng để kiểm chứng...", vị này nói thêm.
Dịch vụ phòng nhà hàng, khách sạn
Trong các dịp nghỉ lễ, ngành du lịch Việt Nam luôn đau đầu với tình trạng chặt chém du khách. Năm nay, tình trạng đó vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, nạn chặt chém phòng khách sạn gây nhiều bức xúc cho du khách nhất.
Zing cho biết trong hôm diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế năm 2017, dịch vụ khách sạn đã tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Phòng ở khách sạn càng cao thì giá càng đắt.
Tại nhà nghỉ Khánh Châu trên đường Thanh Thủy (quận Hải Châu), chủ nhà nghỉ để bảng niêm yết với mức 120.000 -150.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, khi khách hàng hỏi thì chủ nhà nghỉ báo giá lên đến 500.000 đồng đối với phòng đơn và 1 triệu đồng đối với phòng đôi.
Tại các nhà nghỉ, giá phòng cũng đồng loạt tăng gấp 4 lần so với bình thường vào đêm 30/4. Tại nhà nghỉ số 195 đường Bà Huyện Thanh Quan (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), người ngủ trọ cho biết nếu muốn có phòng phải đặt trước, bình thường ngủ qua đêm giá phòng 50.000 đồng/phòng nhưng vì dịp lễ nhà trọ tăng lên 250.000 đồng.
Mặc dù đến 20h đêm 30/4, các màn trình diễn pháo hoa mới chính thức bắt đầu nhưng tình trạng "chặt chém" đã xảy ra đối với một số dịch vụ.
Cũng theo Zing, ngày 30/4, một khách thuê nhà nghỉ tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) đăng video tố bị tăng giá phòng lên gấp 5 lần ngày thường.
Theo anh T. (Hà Nội), anh có đặt thuê 2 phòng đôi của một nhà nghỉ tại Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) cho gia đình đi du lịch dịp 30/4-1/5. Khi đặt, báo giá của chủ nhà nghỉ là 1,5 triệu đồng/một phòng đôi/một ngày đêm.
Điều đáng nói là, bảng giá niêm yết được chủ nhà nghỉ dán ngay tại phòng ghi rõ giá phòng gồm 2 mức. Với phòng đơn là 200.000 đồng/ngày đêm, phòng đôi có giá là 250.000 đồng/ngày đêm.
Lúc nhận phòng, gia đình anh T. rất bất ngờ về chất lượng phòng mà mình đã đặt. Căn phòng có diện tích chỉ khoảng 15 m2 được kê 2 giường, lắp một tivi, một tủ quần áo và một nhà vệ sinh với tiện ích cơ bản.
Tiền Phong cũng phản án nạn chặt chém phòng khách sạn. Tiền phong cho biết toàn bộ cơ sở lưu trú ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang “cháy” phòng. Hơn 90% số phòng đã được khách đặt cách đây hơn một tháng. Có nhà nghỉ ra giá phòng cao bằng khách sạn 5 sao.
Đóng vai một du khách đi đặt phòng nghỉ vào dịp 30/4-1/5, PV đã vào hơn 20 khách sạn và hàng chục nhà nghỉ ở Hạ Long. Những khách sạn lớn, chất lượng và có uy tín đều nằm trong trong tình trạng “cháy” phòng. Còn những nhà nghỉ bình dân, chỉ một số ít trong đó còn 1 đến 3 phòng chưa bán.
Khi PV có ý muốn thuê 2 phòng đôi cho 3 đêm từ ngày 29/4 đến 1/5 thì được nhân viên của nhà nghỉ Lệ Thủy (trên đường Hạ Long, khu Cái Dăm, phường Bãi Cháy) ra giá 1,5 triệu đồng/phòng/đêm.
Căn phòng rộng khoảng 20 mét vuông, được kê 2 giường áp sát vào nhau, chỉ còn lại một lối đi vừa lọt người cùng một chiếc tivi cũ. Bước vào phòng, mùi ẩm mốc do lâu ngày không có người ở xộc thẳng vào mũi.
Tại Vũng Tàu, theo tìm hiểu, giá phòng ngày thường của khách sạn dao động chỉ từ 500– 1 triệu đồng/phòng, dịp lễ đội giá lên từ 1-2 triệu đồng/phòng. Tại các khách sạn từ 3-5 sao và các khu resort hạng sang, giá phòng cũng được bán tăng theo quy định, nhưng hơn 90% lượng phòng đã có khách đặt chỗ.
Dịch vụ trông xe
Không chỉ phòng khách sạn, dịch vụ trông giữ xe máy cũng chặt chém du khách. Ghi nhận của PV Kiến Thức, sáng và chiều 1/5, vẫn có chục nghìn người dân đưa nhau đến thăm quan, vui chơi tại công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Do lượng khách đến thăm quan quá đông nên khu vực gửi xe máy của công viên Thủ Lệ bị quá tải. Tuy nhiên, điều làm du khách bức xúc, là tại một điểm trông giữ xe máy nằm đối diện trường Đại học GTVT xếp được hàng trăm chiếc xe (mọi ngày vẫn là đường di chuyển của xe buýt) có đặt tấm bảng ghi: “Điểm trông giữ xe đúng quy định của UBND phường Ngọc Khánh”, nhưng giá vé đều bị xóa đi.
Khi khách đem xe vào gửi bị chém quá lên 2.000 đồng (lấy 5.000 đồng/lượt), trong khi số tiền in trên vé ghi 3.000 đồng/lượt.
Ngoài ra, xung quanh công viên Thủ Lệ còn xuất hiện thêm hai điểm trông giữ xe máy khác cũng thu phí 5.000 đồng/lượt.
Dọc tuyến đường vành đai 2 (Cầu Giấy – Nhật Tân) còn xuất hiện tình trạng tổ chức lấn chiếm diện tích đường để trông giữ xe ô tô. Theo một số người trông giữ ô tô trên đường vành đai 2, giá mỗi một lượt gửi xe ô tô được thu 50 - 60.000 đồng/lượt.
Theo ghi nhận của VTC News, lợi dụng thời điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhu cầu gửi xe máy của người dân tăng cao, nhiều bãi gửi xe ở khu vực Giáp Bát (Hà Nội) đã tự ý tăng giá lên mức "cắt cổ". Tại khu vực xung quanh bến xe Giáp Bát (Hà Nội), nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi mặt bằng kinh doanh sang dịch vụ trông giữ xe máy.
Theo khảo sát của phóng viên, cửa hàng trông xe gần bến Giáp Bát, giá vé xe máy cho một ngày trông tại đây được người chủ thét lên tới 40.000 đồng/xe/ngày. Với 4 ngày nghỉ lễ, người dân có thể phải trả đến 160.000 đồng/xe máy.