Sự cố vợ “vua tôm” Minh Phú bị bốc hơi 245 tỷ đồng do lừa đảo ở ngân hàng Eximbank chưa được giải quyết thì thời gian gần đây cổ phiếu ngân hàng này liên tục rớt giá. Trong khi đó tình hình kinh doanh tại công ty Minh Phú liên tục có dấu hiệu khởi sắc.
Vốn hóa Eximbank bốc hơi 2.400 tỷ đồng
Trước khi xảy ra vụ việc khách hàng bị Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) làm giả giấy tờ chiếm đoạt 245 tỷ đồng vào ngày 28/2/2018, cổ phiếu EIB của ngân hàng này đang trên đà tăng trưởng đầy hưng phấn.
Nếu như thời điểm cuối quý III/2017, thị giá EIB chỉ dao động quanh mức 13.000 đồng/CP thì đến ngày 29/1/2018 nó đã tăng trưởng 27% để lên tới 16.100 đồng/CP. Ở thời điểm chốt phiên 29/1/2018 khối lượng giao dịch bình quân EIB ở mức 803,668 CP/phiên.
Cổ phiếu EIB tăng trưởng tốt trước khi xảy ra vụ việc mất 245 tỷ đồng của khách hàng |
Mức giá trên giữ ổn định cho đến cuối tháng 2/2018, có lúc lập đỉnh 16.200 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong gần 4 năm qua.
Chính vì vậy, thời điểm cuối năm 2017 đầu 2018, EIB là một trong những cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm cổ phiếu được săn đón nhiều nhất trên sàn chứng khoán với thanh khoản vượt trội so với các nhóm ngành khác.
Bà Chu Thị Bình - vợ "vua tôm" Minh Phú bị Phó giám đốc chi nhánh Eximbank chiếm đoạt 245 tỷ đồng
Thế nhưng chỉ sau khi có thông tin bà Chu Thị Bình – vợ “vua tôm” Minh Phú Lê Văn Quang bị mất tiền vào ngày 28/2, ngay lập tức cổ phiếu EIB lao dốc. Cụ thể, qua 11 phiên giao dịch gần đây thì chỉ 2 phiên tăng giá nhẹ còn lại là giảm giá. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua vào chiều 9/3, thị giá EIB giảm về vùng 14.250 đồng/cổ phiếu.
Như vậy là chỉ chưa đầy nửa tháng, cổ phiếu EIB của Eximbank đã giảm hơn 12%. Với khối lượng niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, đà giảm 12% thị giá của EIB đã khiến vốn hóa của nhà băng này "bốc hơi" hơn 2.400 tỷ đồng. Hiện tại, vốn hóa của Eximbank chỉ còn ở mức 17.500 tỷ đồng.
Kinh doanh khởi sắc, Thủy sản Minh Phú trở lại đường đua
Trong khi Eximbank đang gặp khó thì tại công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC), dấu hiệu khởi sắc ngày càng rõ rệt.
Minh Phú là tập đoàn Thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong vòng 6-7 năm trở lại đây, doanh nghiệp có mức doanh thu tăng trưởng đều song lợi nhuận là trồi sụt thất thường, cho thấy có vấn đề trong thực lực quản trị của DN.
Còn nhớ khi đang ở đỉnh cao về doanh thu và lợi nhuận vào năm 2014, "vua tôm" đã khiến giới đầu tư tài chính bất ngờ khi đưa ra quyết định táo bạo là rút khỏi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) mặc dù giá cổ phiếu khi đó được neo ở mức cao 122.000 đồng/CP.
Vợ chồng "vua tôm" Minh Phú
Nguyên nhân được ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú đưa ra là công ty đang tìm đối tác ngoại để bán 50% cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng việc niêm yết trên sàn chứng khoán gây cản trở khả năng tăng vốn của công ty khi MPC muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài thì lại bị giới hạn room ngoại ở mức 49%.
Tuy nhiên thực tế trong 2 năm qua chưa thấy đối tác ngoại nào nhảy vào và MPC đã phải trải qua 2 năm liền suy thoái 2015, 2016 khi doanh thu vẫn ổn định còn lãi chỉ là tượng trưng.
Phải đến quý IV/2017 vừa rồi tình hình mới có dấu hiệu khởi sắc. Báo cáo tài chính của ‘vua tôm’ cho thấy, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Doanh thu của Minh Phú năm 2017 đạt hơn 16.852 tỷ đồng, tăng đến 41% so với năm 2016 (đạt 11.973 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Sau khi trừ đi giá vốn và các loại chi phí, thuế suất, doanh nghiệp đạt mức lãi ròng đến 714 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với con số 81 tỷ đồng của năm 2016. Đến cuối kỳ, doanh nghiệp ghi nhận lãi lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng. Sự tăng trưởng mạnh trong quý IV mang lại một tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp đầu ngành tôm và bức tranh chung của thị trường tôm Việt Nam.
Mới đây, ngày 9/3, Minh Phú tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, trong đó thông qua một số nội dung quan trọng như hủy giao dịch UPCoM và dự kiến trong năm 2018 đăng ký niêm yết tại HOSE, dự kiến năm 2018 với doanh thu là 18,200 tỷ đồng và lãi ròng 990 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 38.6% so với thực hiện năm 2017.
Đại Hội đồng cổ đông MPC cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng bằng cách phát hành tăng vốn 1:1; phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ.
Đồng thời mở rộng công suất nhà máy Cà Mau lên 30.000 tấn/năm, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng và thực hiện từ quý III/2018. Trong đó, vốn tự có 300 tỷ đồng, vốn vay 700 tỷ đồng.
Ngày 28/2/2018 là một ngày đen tối trong lịch sử của ngành ngân hàng nói chung và ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nói riêng bởi đã để xảy ra một vụ việc mất tiền gửi của khách hàng hết sức nghiêm trọng. Cụ thể, bà Chu Thị Bình – vợ ông Lê Văn Quang, Chủ tịch tập đoàn Thủy sản Minh Phú bị ông Lê Nguyễn Hưng - Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP. HCM làm giả giấy tờ chiếm đoạt 245 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Ngay sau đó, Eximbank đã làm đơn tố giác hành vi lừa đảo của ông Lê Nguyễn Hưng lên cơ quan công an. Về phía khách hàng, Eximbank đề nghị tạm ứng 14,8 tỷ đồng rồi chờ phán xét của cơ quan tố tụng sẽ giải quyết sau nhưng bà Bình không đồng ý mà yêu cầu phải được tất toán ngay toàn bộ số tiền. Cho đến nay hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ngày 9/3/2018, Eximbank phát đi thông báo chính thức, khẳng định sẽ chờ phán quyết cuối cùng của cơ quan tố tụng rồi mới giải quyết sự việc nói trên. Số tiền 245 tỷ đồng có giá trị bằng khoảng 30% lợi nhuận của nhà băng này trong năm 2017. |