(ĐSPL) - "Hạm đội trắng” của Trung Quốc đã phát triển rất mạnh trong những năm gần đây và điều đó có nghĩa là Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông sẽ còn dậy sóng.
|
Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi nhau gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Chiều ngày 17/9 vừa qua, tàu CMS 7008 có lượng rẽ nước 1.750 chính thức được đưa vào biên chế của Cơ quan Hải giám (CMS) tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đưa tin CMS 7008 được trang bị một cặp “pháo phun nước” đặc biệt, mua của nước ngoài với cái giá 1,3 triệu nhân dân tệ (210.000 USD). Loại pháo phun nước này có “tầm bắn” tới 200 mét. Chưa hết, CMS còn được trang bị “vũ khí âm thanh” khiến cho đối phương choáng váng trong vòng 100 mét. Rõ ràng, con tàu này được thiết kế chế tạo để đối đầu với tàu thuyền nước ngoài.
Đôi nét về “Hạm đội trắng”
Theo The National Interest, CMS 7008 chỉ là một trong những tàu mới nhất tham gia “Hạm đội trắng” có nhiệm vụ bảo vệ "chủ quyền của Trung Quốc". Hạm đội này bao gồm tất cả các tàu công vụ có lượng giãn nước lớn hơn 500 tấn và được đặt dưới sự điều hành của các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải cấp nhà nước và cấp địa phương. Các tàu của “Hạm đội trắng” này vốn đã khét tiếng ở bãi cạn Scarborough và trong việc bảo vệ giàn khoan 981 trên vùng biển của Việt Nam. Chúng có nhiệm vụ thực thi điều mà nhà phân tích Christian Le Miere gọi là "ngoại giao bán pháo hạm” của Trung Quốc và ngày càng táo tợn hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Các tàu này lại nhận được sự yểm trợ của các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
“Hạm đội trắng” đã phát triển vượt bậc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bổ sung thêm 52 tàu công vụ mới để “bảo vệ quyền lợi” trên biển. Mùa thu năm 2010, Trung Quốc công bố kế hoạch đóng 36 tàu Hải giám mới và cung cấp cho các tỉnh ven biển. Chiếc đầu tiên trong số tàu công vụ nói trên là tàu Hải giám CMS 8002 có lượng giãn nước 1.600 tấn đã được chuyển giao trong tháng 2/2013. Đến cuối năm 2014, hầu hết trong số 36 tàu công vụ nói trên sẽ được chuyển giao cho các chủ sở hữu.
Quyết định tăng cường “Hạm đội trắng” được Trung Quốc đưa ra sau “sự cố” bãi cạn Scarborough. Cuối năm 2012, các hoạch định chính sách Trung Quốc đã quyết định chuyển 11 tàu chiến lớn của Hải quân Trung Quốc cho các đơn vị CMS để “cải tạo” thành tàu Hải giám. Cũng trong năm 2012, CMS đã ký một loạt các hợp đồng đóng tàu Hải giám rất lớn (3.000-5.000 tấn), có khả năng hoạt động liên tục trên biển dài ngày, trong mọi điều kiện thời tiết và đặc biệt thích hợp với nhiệm vụ đe dọa tàu nước ngoài.
Hồi đầu năm nay, chiếc tàu Hải giám khổng lồ đầu tiên đã được đưa vào biên chế và đến cuối năm 2014, 6 chiếc tàu cùng loại sẽ đi vào phục vụ.
Các tàu được đóng sau “sự cố” bãi cạn Scarborough đã đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định "chủ quyền" của Trung Quốc. Một số tàu công vụ thuộc “Hạm đội trắng” đã bám đuôi và quấy rối tàu khảo sát của Mỹ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc (EEZ). Một số đã được đưa ra vùng biển gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Nhiều chiếc khác đã tham gia “bảo vệ” giàn khoan 981 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Nhưng có lẽ, ví dụ sinh động nhất của mối quan hệ giữa các tàu công vụ mới của Trung Quốc và các sự kiện diễn ra trên biển đầu năm nay.
Tàu CCG 3401 gia nhập lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 10/1/2014. Con tàu 4.000 tấn này được chuyển giao sau khi lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc được thành lập vào tháng 7/2013. Vài tuần sau khi được đưa vào hoạt động, CCG 3401 đã xuất hiện gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở quần đảo Trường Sa và có nhiệm vụ cản trở tàu thuyền Philippines tiếp cận con tàu đổ bộ BRP Sierra Madre mục nát mà thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên đó. Chiếc tàu này chính là hiện thân của chính sách “ngoại giao pháo hạm” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cưỡng chế để khẳng định "chủ quyền" của Trung Quốc
Vậy giới hoạch định chính sách Trung Quốc có ý định sẽ làm gì với “Hạm đội trắng”, hạm đội mới của đất nước?
Trước hết, Trung Quốc không xây dựng hạm đội bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới để tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hoặc bảo vệ môi trường, mặc dù các tàu này đôi khi cũng thực hiện các nhiệm vụ đó. Cũng không có ý nghĩa nhiều về kinh tế, khi Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD để thiết kế, chế tạo, vận hành và bảo trì những con tàu có nhiệm vụ tiến hành tuần tra các vùng biển tranh chấp. Trong hai năm qua, có một xu hướng rõ ràng là “Hạm đội trắng” được Trung Quốc sử dụng để cưỡng chế các bên có tranh chấp chủ quyền trên biển. Những diễn biến gần đây cũng bộc lộ ý đồ của Trung Quốc, được nêu trong các tài liệu chính quyền. Điều này có thể cung cấp những hiểu biết hữu ích về những gì sắp xảy ra.
Ngày 18/1/2013, Qian Honglin - Bí thư Đảng ủy của Chi nhánh Biển Đông của Cục Hải sự Trung Quốc (SOA)- khẳng định rằng một trong những nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ 18 của ĐCS Trung Quốc đề ra là phải bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Điều này bao gồm "nâng cao năng lực của đất nước để thực hiện kiểm soát hành chính có hiệu quả trên các vùng biển có thẩm quyền”. Trong một bài viết đăng trên trang nhất của báo China Ocean News số ra ngày 7/6/2014, Giám đốc SOA Liu Cigui nhắc lại mục tiêu trở thành "cường quốc biển” của Trung Quốc. Sau khi trích dẫn một loạt các xu hướng có thể đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc, Liu viết rằng lựa chọn duy nhất của Trung Quốc là nâng cao khả năng thực hiện việc kiểm soát hành chính trên biển.
Nhưng điều này có ý nghĩa gì đối với việc kiểm soát biển trong thời bình?
Điều này có nghĩa là sử dụng lực lượng thực thi pháp luật để khẳng định đặc quyền hành chính của Trung Quốc trên vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền: quyết định các hoạt động nào được phép và không được phép xảy ra trên cơ sở luật pháp quốc gia của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là bất kỳ bên nào cản trở nỗ lực “bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc sẽ bị cưỡng chế. Tàu nước ngoài không tuân thủ “luật pháp Trung Quốc” sẽ bị đâm va và thủy thủ đoàn trên tàu sẽ bị “pháo kích” bằng vòi rồng hoặc bị tra tấn bằng “vũ khí âm thanh” cực mạnh.
|
Tàu Trung Quốc đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần nơi hạ đặt giàn khoan 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. |
Những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông là khá rõ ràng. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quyền tài phán đối với thềm lục địa đã được Trung Quốc tự ý nới rộng rất nhiều. Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông xem ra có nhiều điểm mơ hồ. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tin rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với tất cả các tính năng đất đai và nhiều tính năng bị ngập nước trong phạm vi cái gọi là “đường chín đoạn”, nhưng họ vẫn chưa chính thức xác định bản chất của "quyền lịch sử" của Trung Quốc trên các vùng biển trong phạm vi đó.
Tuy nhiên, theo hai học giả người Australia là Scott Bentley và Andrew Chubb, lực lượng thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc đang hoạt động trên giả định rằng lực lượng này có thẩm quyền trên tất cả các vùng nước bên trong cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.
Do tính chất của biển, do phạm vi quá rộng lớn và do sự phản kháng của các bên tranh chấp khác, Trung Quốc khó có thể kiểm soát hành chính trên tất cả các vùng lãnh thổ và vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền mà không cần sử dụng vũ lực. Cùng với sự lớn mạnh của “Hạm đội trắng”, Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện tham vọng mà Bắc Kinh đã biến thành mục tiêu này.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ham-doi-trang-cong-cu-xam-lan-bien-cua-trung-quoc-a53291.html