Anh Tôn (32 tuổi) và vợ hiện đang sống tại một vùng quê của Trung Quốc. Thời gian trước, vợ anh Tôn đột nhiên cảm thấy đau ở vùng bụng trên bên phải. Vài ngày sau đó, anh Tôn cũng gặp tình trạng tương tự.
Hai vợ chồng nhận thấy có điều bất thường nên đã đến bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ đã siêu âm và làm nhiều xét nghiệm, sau đó cho biết vợ chồng anh Tôn đều đang có một khối u lớn ở gan. Kết quả sinh thiết cho thấy đó là ung thư gan giai đoạn cuối.
Chia sẻ với bác sĩ về chuyện ăn uống của hai vợ chồng, anh Tôn nói: “Ngoài sở thích uống rượu, vợ chồng tôi ăn cháo mỗi ngày, ngày ăn 2 bữa, trừ bữa trưa. Để thay đổi khẩu vị, chúng tôi thường cho thêm khoai lang, đậu phộng và một số thức ăn khác vào cháo.
Thỉnh thoảng có những củ khoai lang bị hỏng, gia đình sẽ gọt bỏ phần thối và nấu phần còn lại với cháo. Những hạt đậu phộng màu vàng, bị nhăn nheo cũng được giữ lại”.
Bác sĩ nghe vậy đã tìm ra nguyên nhân khiến anh Tôn và vợ cùng mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Theo bác sĩ, cho 3 loại thực phẩm dưới đây vào cháo đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để ung thư gan phát triển.
Khoai lang có dấu hiệu thối
Loại củ này chỉ có lợi khi ở trạng thái tươi. Nếu thấy khoai lang xuất hiện đốm đen và bị thối, bạn nên đem bỏ ngay. Nguyên nhân là vì toàn bộ thành phần khoai lang lúc này đã chứa aflatoxin – độc tố gây ung thư gan mạnh mẽ nhất.
Việc cắt bỏ phần khoai bị hỏng hoặc tác động tới khoai bằng nhiệt độ cao như luộc, nướng, nấu cùng cháo cũng không thể loại bỏ độc tố này.
Hạt đậu phộng đã mốc
Hạt đậu phộng ngả màu vàng, trông nhăn nheo vẫn có mùi vị như bình thường nhưng đã không còn ăn được. Giống như khoai lang có dấu hiệu thối, hạt đậu phộng lúc này đã chứa độc tố aflatoxin.
Bạn tốt nhất nên đem bỏ những hạt đậu phộng ngả màu vàng và nhăn nheo, tiếp tục ăn sẽ ảnh hưởng không tốt đến chức năng gan, gây ung thư gan.
Gừng thối
Bác sĩ Bao Zhijun đến từ Bệnh viện Đông Trung Quốc, Đại học Phúc Đán cho biết, gừng thối có thể gây hại cho gan vì chúng chứa một lượng nhỏ safrole. Được biết, safrole là một loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu dần sẽ biến thành ung thư gan và ung thư thực quản.
Sau khi một phần gừng bị thối, safrole sẽ lan ra toàn bộ củ gừng. Bác sĩ cảnh báo nên vứt ngay nếu thấy gừng đã bị hư hỏng.
Ngoài 3 thực phẩm trên, bác sĩ cũng khuyên không nên ăn khoai tây mọc mầm. Loại khoai tây này chứa lượng lớn solanin. Đây là chất rất độc, ngay cả khi tiêu thụ với hàm lượng rất nhỏ. Ngộ độc solanin gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe gan.
Không chỉ cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm, bạn cũng cần chú ý đến những dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư gan để thăm khám và điều trị kịp thời.
Dưới đây là một số dấu hiệu “báo động” ung thư gan bạn nên hết sức lưu ý:
- Vàng da
- Gan nở rộng
- Nước tiểu có màu tối
- Tụ dịch trong bụng
- Buồn nôn và nôn
- Sút cân, không có cảm giác thèm ăn
- Đau ở phần bụng trên bên phải
- Ngứa, mệt mỏi kéo dài
- Chảy máu chân răng
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh 9 thói quen xấu sau để bảo vệ lá gan khỏe mạnh:
- Ăn ít rau quả
- Ăn nhiều thực phẩm chiên rán
- Ăn đồ bị cháy hoặc chưa chín
- Uống ít nước
- Thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa
- Nhịn đi vệ sinh vào buổi sáng
- Thường xuyên thức đêm
- Uống rượu bia, hút thuốc lá
- Thường xuyên ăn các loại thịt nướng.
Đinh Kim (T/h)