+Aa-
    Zalo

    Hai tuần nữa sẽ công bố tin chấn động về kết quả thanh tra 7 công ty đa cấp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Liên quan đến việc thanh tra 7 công ty đa cấp, theo đại diện Bộ Công thương, kết quả thanh tra sắp công bố sẽ đưa ra những thông tin chấn động...

    (ĐSPL) - Liên quan đến việc thanh tra 7 công ty đa cấp, theo đại diện Bộ Công thương, kết quả thanh tra sắp công bố sẽ đưa ra những thông tin chấn động về hoạt động bán hàng đa cấp của một số đơn vị có nhiều điều tiếng thời gian qua.

    Thông tin trên báo Thanh niên, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã hoàn tất kết luận thanh tra 7 công ty đa cấp (Thiên Ngọc Minh Uy, Liên Minh Tiêu dùng Việt Nam, Nhượng quyền Thăng Long, Amway, Unicity, Công ty cổ phần Liên kết Tri thức, công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam) trình lãnh đạo Bộ Công Thương để công bố trong vòng 2 tuần tới.

    Kết quả thanh tra sắp công bố sẽ đưa ra những thông tin chấn động về hoạt động bán hàng đa cấp của một số đơn vị có nhiều điều tiếng thời gian qua.

    “Không loại trừ khả năng cơ quan quản lý sẽ thực hiện rút giấy phép của các công ty đa cấp có nhiều điều tiếng bị thanh tra trong đợt vừa qua”, lãnh đạo Cục Quản lý Cạnh tranh khẳng định.

    Một đại diện Bộ Công Thương cho biết, để làm rõ các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật của các công ty đa cấp, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các công ty đa cấp phải kê khai rõ hoa hồng, tiền thưởng trả cho người tham gia hệ thống.

    Cùng đó, các đơn vị phải báo cáo cả doanh thu bán hàng đa cấp, thống kê về các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia bán hàng đa cấp; số lượng hội nghị, hội thảo, đào tạo đã thông báo với từng sở công thương và được các sở xác nhận. Theo vị này, biện pháp kiểm soát chặt chẽ này sẽ giúp các cơ quan chức năng nắm được tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đa cấp.

    Không loại trừ khả năng cơ quan quản lý sẽ thực hiện rút giấy phép của các công ty đa cấp bị thanh tra trong đợt vừa qua.(Ảnh minh họa).

    “Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị nhiều người phản ánh có hành vi lừa đảo. Một số công ty đa cấp đã phải trả lại cho những người tham gia hệ thống số tiền nhiều tỷ đồng.

    Chúng tôi cũng đang tiếp tục làm việc với một số doanh nghiệp khác như Thiên Ngọc Minh Uy, Unicity về những đơn kiện tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị này”, vị này cho biết.

    Một thành viên đoàn kiểm tra cho biết, gặp nhiều khó khăn khi làm việc với 7 công ty kinh doanh đa cấp vừa qua. Một số đơn vị có dấu hiệu gây khó và thậm chí còn thuê cả các đơn vị tư vấn luật, thuế để làm sạch sổ sách. Tuy nhiên qua quá trinh làm việc, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm ở một số đơn vị.

    Báo Dân trí đưa tin, gần đây, Cục Quản lý cạnh tranh cũng liên tiếp công bố kết quả xử phạt hàng loạt các công ty bán hàng đa cấp. Trong đó, có công ty thậm chí bị phạt tới lần thứ 3 tính từ đầu năm tới nay. Các doanh nghiệp này chủ yếu vi phạm quy định về cấp và bổ sung giấy chứng nhận đăng ký. Một số doanh nghiệp cũng bị phạt do đưa thông tin gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm hay kinh doanh đa cấp với hàng hóa chưa đăng ký.

    Cụ thể, theo thông tin trên báo Đất Việt,  sáng 7/7, Sở Công thương tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt 3 đơn vị kinh doanh hàng đa cấp, với tổng số tiền phạt là 90 triệu đồng. Đó là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (Hà Nội), Công ty cổ phần Liên kết tri thức và Công ty TNHH nhượng quyền Thương mại Thăng Long. 3 công ty này đều có địa chỉ tại Hà Nội.

    Theo đó, các công ty nói trên đã vi phạm điềm b, khoản 2, điều 24 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP (hợp đồng bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ các nội dung theo quy định) và vi phạm khoản 1, điều 10 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP (thay đổi liên quan tới nội dung hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC).

    Hoạt động kiểm tra các doanh nghiệp này được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công thương. Qua kiểm tra, đã phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm chủ yếu như: nội dung ký kết hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp, mẫu thẻ thành viên không đúng mẫu quy định; thực hiện chế độ báo cáo của một số doanh nghiệp không nghiêm túc.

    Hôm 3/7, Cục Quản lý cạnh tranh cũng thông báo chính thức về việc: tạm ngừng hoạt động của 2 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, gồm Công ty TNHH ZIJA Quốc tế, và Công ty TNHH MTV GANO EXEL Việt Nam.

    Công ty TNHH ZIJA Quốc tế có địa chỉ trụ sở chính tại số 17 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH ZIJA Quốc tế là Nguyễn Thanh Thủy.

    Công ty TNHH MTV GANO EXEL VIỆT NAM cũng tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc.Công ty này do bà Bồ Thị Cẩm Nhung làm đại diện pháp luật, có địa chỉ trụ sở chính: Lầu 3, Tòa nhà Lữ Gia Plaza, 70 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP HCM.

    Trao đổi về các biện pháp để thanh lọc các doanh nghiệp đa cấp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, về thẩm quyền, Cục Quản lý Cạnh tranh đã trình Bộ Công Thương và được Bộ Công Thương ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản yêu cầu các Sở Công Thương yêu cầu thực hiện đúng chỉ thị.

    Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, không ngừng đưa ra cảnh báo về biểu hiện của các công ty đa cấp biến tướng, nhằm ngăn ngừa người dân bị thiệt hại. Cơ quan quản lý cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kinh doanh bán hàng đa cấp tới từng khu dân cư. Bộ Công Thương cũng đang đề xuất và trình Chính phủ sửa đổi nghị định quy định về bán hàng đa cấp theo hướng quản lý và siết chặt hơn nữa về bán hàng, kinh doanh đa cấp.

    Cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội bán hàng đa cấp đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Công an và các bộ ngành khác có liên quan nhanh chóng xác minh, thanh kiểm tra, điều tra để kịp thời chặn đứng, chấn chỉnh, xử phạt và xóa bỏ các doanh nghiệp đa cấp bất chính. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính đang được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

    Trước đó, có không ít những phi vụ đa cấp lừa đảo đã gây rúng động xã hội. Có thể kể đến "tập đoàn lừa đảo" Diamond Holiday bị khởi tố năm 2012 sau khi lừa đảo gần 90.000 người, gây thiệt hại 32,3 triệu USD; Công ty MB24 bị khởi tố năm 2012 với việc 107 người mua bán trên 121.349 gian hàng ảo, gây thiệt hại 631 tỷ đồng; Công ty đầu tư Tâm Mặt Trời khởi tố năm 2013 với 40.000 người bị hại, thiệt hại 122 tỷ đồng. Mới đây là vụ Liên Kết Việt với gần 60.000 người bị hại, thiệt hại 1.900 tỷ đồng.

    Trước thực trạng bán hàng đa cấp biến tướng, lừa đảo người tiêu dùng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều địa phương đã vào cuộc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này. Mới đây, Cục Quản lý Cạnh tranh đã có yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có báo cáo trong đó nêu rõ kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2016 gồm doanh thu bán hàng, thống kê về các sản phẩm kinh doanh, số lượng người, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia mạng lưới.

    Ngoài ra, công ty đa cấp cũng phải báo cáo số lượng hội nghị, hội thảo, đào tạo, báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm 2015, thông tin về kết quả nộp thuế của doanh nghiệp năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-tuan-nua-se-cong-bo-tin-chan-dong-ve-ket-qua-thanh-tra-7-cong-ty-da-cap-a139006.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan