+Aa-
    Zalo

    Từ nghi vấn xuất hiện gạo nhựa tại TPHCM: Làm sao để chọn gạo cho "chuẩn"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vế nghi vấn xuất hiện gạo nhựa tại TPHCM khiến nhiều người hoang mang. Theo các cơ quan không khó để thực hiện việc kiểm tra, nhận biết gao thật- gạo giả...

    (ĐSPL) - Vế nghi vấn xuất hiện gạo nhựa tại TPHCM khiến nhiều người hoang mang. Theo các cơ quan không khó để thực hiện việc kiểm tra, nhận biết gao thật- gạo giả...

    Chiều 1/10, Đội quản lý thị trường quận Phú Nhuận (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM) đã kiểm tra cửa hàng bán gạo để làm rõ thông tin nghi vấn gạo nhựa mà dư luận xôn xao trong hai ngày qua.

    Theo đó, cửa hàng bán gạo cho chị Ngô Hoàng Phương Đông (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM), người phản ánh số gạo nghi pha nhựa, có tên H.A nằm trong hẻm ở đường Huỳnh Văn Bánh. Chủ cửa hàng là ông Đ.N.C. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng còn khoảng 1,7 tấn gạo đủ các chủng loại nhưng chủ cửa hàng không trình được hóa đơn.

    Riêng về lô gạo nghi pha nhựa, ông C. cho biết mua của một đại lý gạo ở quận 8, với số lượng gần 700 kg. Tại thời điểm kiểm tra, số gạo trên đã được bán hết. Khi nghe tin chị Đông phản ánh gạo có vấn đề, ông C. đã sang xin đưa toàn bộ 20 kg gạo về nhưng chị Đông không đồng ý. Ông C. đã xin 1 kg để về nhà kiểm tra, nấu thử.

    “Hai ngày này tôi nấu thử khoảng 800 gram ăn không có vấn đề gì. Số lượng gạo 700 kg tôi bán cho 30-40 khách hàng mà không thấy ai phản ánh, ngoại trừ chị Đông”, ông C. nói.

    Hiện 200 gram gạo còn lại đã được Đội quản lý thị trường quận Phú Nhuận lập biên bản thu giữ. Riêng đại lý gạo ở quận 8, ông Giang Kim Sơn, Đội trưởng Đội quản lý thị trường quận Phú Nhuận, cho hay sẽ thông qua Chi cục Quản lý thị trường TP chỉ đạo Đội quản lý thị trường quận 8 kiểm tra phối hợp.

    Dĩa bên trái là dĩa gạo rang bị vón cục, trong khi gạo bình thường (dĩa bên phải) rang lên có mùi thơm của gạo và không vón cục. (Ảnh: báo Thanh niên).

    Trước đó, trao đổi với Thanh Niên chiều 30/9, bà U., chủ đại lý gạo ở quận 8 xác nhận có bán cho ông C. gần 700 kg gạo. Số gạo trên được bà U. mua của một đại lý ở Gò Công (Tiền Giang). Đại lý này thu mua gạo thông qua hệ thống hàng xáo.

    Bà U. cho biết thêm lô gạo trên có tên gọi Nàng Hoa. Đây là loại gạo dẻo, thơm và khá khó nấu. Nếu nấu hơi ít nước gạo sẽ khô, không chín nhưng nếu dư ít nước gạo sẽ nhão và có một vài hạt sẽ chín không đều.

    Trước đó, trao đổi trên báo Thanh Niên Online sáng 30/9, chị Ngô Hoàng Phương Đông, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết cách đây khoảng 4 ngày chị mua 20 kg gạo có hiện tượng nói trên tại một cửa hàng gạo quen biết ở đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM).

    Mấy ngày đầu, lô gạo mới đem đi nấu lần nào cũng nhão, cơm nửa chín nửa sống. Ban đầu chị Đông tưởng người giúp việc nấu không quen gạo mới hoặc nồi cơm điện có vấn đề. Chồng chị Đông thấy vợ phản ánh nên đi mua nồi cơm điện mới thay thế.

    Từ khi có nồi mới, gạo nấu chín ngon hơn nhưng khi ăn thi thoảng lại lẫn vài hạt cơm chưa chín trông giống như hạt nhựa. Chị Đông cho biết một chén cơm nhặt được chừng 6-7 hạt như vậy.

    “Chồng tôi nhặt xong đem để trên cái muỗng, bật lửa đốt thì hạt cơm cháy khét lẹt, khói đen xì. Lúc này cả nhà sợ quá không ai dám ăn cơm nữa”, chị Đông nói.

    Do nghi trong gạo lẫn hạt nhựa, người nhà chị Đông rang thử một mẻ trên chảo. Chừng 4-5 phút, gạo chuyển sang màu đen, bốc khói khét lẹt mùi nhựa rất khó chịu và gạo bị kết thành từng cục. Chị Đông cho hay hiện số gạo trên còn chừng vài ký. Chị cũng đã báo cho chủ cửa hàng về hiện tượng trên.

    Chị Đông bức xúc: “Từ trước giờ tôi mới chỉ nghe nói có gạo nhựa nhưng chưa bao giờ thấy. Giờ thì chính mình gặp phải. Nhưng hạt đó không phải 100\% là nhựa nhưng rõ ràng gạo có vấn đề”.

    Theo lời chỉ dẫn của chị Đông, PV Thanh Niên Online lấy một ít gạo bỏ vào chảo rang thử. Đúng như phản ánh, chừng 4-5 phút, gạo chuyển thành màu đen, bốc khói có mùi rất khó chịu và bắt đầu vón cục cả chảo. Đưa gạo lên mũi ngửi giống như mùi nhựa cháy. Chúng tôi thử rang một loại gạo khác để so sánh thì không thấy hiện tượng này. Gạo không khét mùi nhựa và đóng cục.

    [mecloud]x6KSGfTod5[/mecloud]

    Trao đổi trên báo Dân trí, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đơn vị này đã cử đại diện đến gia đình chị Đông để lấy mẫu. "Công tác kiểm nghiệm đang được tiến hành nhằm kiểm tra hàm lượng Amyloza và Amylopectin trong hạt gạo, qua đó xác định loại gạo này có phải gạo thông thường không, liệu có những hạt bất thường (hạt nhựa - PV) không. Tôi khẳng định, việc kiểm tra rất dễ dàng và chúng tôi sẽ sớm có câu trả lời tới dư luận".

    Ông Phùng Hữu Hào nhấn mạnh, có ý kiến cho rằng có thể một số đối tượng dùng tinh bột sắn, khoai tây trộn với nhựa để làm thành gạo, bán ngoài thị trường. "Tôi nói thật, với giá gạo rẻ như hiện nay không ai bỏ công sức ra để làm việc vô bổ ấy. Nếu cho rằng kinh doanh buôn bán kiếm lời theo phương thức trên, theo tôi là không có cơ sở. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng có người đưa ra thông tin nhằm mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận”, ông Hào nhấn mạnh.

    Theo ông Hào, để người dân có thể vững tâm hơn, không khó để thực hiện việc kiểm tra, nhận biết. Cách thứ nhất, chỉ cần ngâm vào nước, dựa vào sự nổi chìm của hạt gạo là phân biệt được.

    Cách thứ 2, đó là ngâm vào nước khoảng vài tiếng sau đó xay hoặc nghiền, nếu là hạt gạo thật thì dễ dàng trở thành bột mịn và tinh bột. Nếu là hạt nhựa hoặc cao su thì không thể.

    Cũng có cách khác, theo ông Hào, nếu cẩn thận hơn, người dân có thể đun bột vừa xay lên thành hồ và tiến hành thí nghiệm hóa học bằng cách nhỏ một ít nước i-ốt vào. Nếu là tinh bột "xịn" thì sẽ chuyển sang màu xanh, còn với thành phần nhựa không thể chuyển màu được.

    Ngoài ra, có thể đưa vào phân tích phòng kiểm nghiệm, để biết thành phần Amyloza và Amylopectin trong gạo. Gạo có chứa hàm lượng Amylopectin cao thì thường dẻo và dính hơn khi nấu thành cơm. Còn nếu gạo có thành phần Amyloza cao thì sẽ có độ trắng trong hơn và ít dẻo hơn.

    Ông Hào cũng khẳng định thêm: "Việc đốt hạt gạo thấy mùi khét là chuyện bình thường vì trong thành phần của gạo hoặc cơm đều có protein, tinh bột và một tỷ lệ nhất định chất béo".

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-nghi-van-xuat-hien-gao-nhua-tai-tphcm-lam-sao-de-chon-gao-cho-chuan-a113158.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.