(ĐSPL) - Lợi dụng chức trách của mình, hai "sếp" Hội Liên hiệp phụ nữ (Hội LHPN) xã Suối Tre đã chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của các hội viên.
Theo báo Công lý, ngày 17/1, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với hai bị cáo nguyên là cán bộ Hội LHPN xã Suối Tre (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) về hành vi chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng tiền huy động của phụ nữ trong xã.
Hai bị cáo gồm Đặng Thị Hòa (55 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (Hội LHPN) xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) và Phùng Thị Hường (nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).
Tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo, đổi tội danh từ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thành Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Hòa 14 năm tù và Phùng Thị Hường 9 năm tù.
2 bị cáo Đặng Thị Hòa (bên phải) và Phùng Thị Hường được áp giải sau phiên tòa - Ảnh: báo VietnamNet |
Báo Tiền Phong thông tin, theo cáo trạng, thực hiện chủ trương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đã hướng dẫn Hội LHPN các xã, phường trên địa bàn xây dựng nhóm phụ nữ tiết kiệm, mỗi nhóm khoảng 10 – 25 người tình nguyện tham gia.
Mục đích của việc thành lập các nhóm là hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua hoạt động tăng thu nhập, góp vốn cho các hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phát triển kinh tế gia đình.
Lợi dụng chủ trương này, tư từ năm 2009 đến cuối tháng 6/2015, Phùng Thị Hường và Đặng Thị Hòa đã trực tiếp vận động, huy động vốn của 6 người trên địa bàn rồi chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, Hòa chiếm đoạt gần 500 triệu đồng, Hường hơn 800 triệu đồng.
Đến ngày 14/8/2015, do không còn khả năng chi trả số tiền đã chiếm đoạt nên Hòa bỏ trốn sang Lào, nhưng bị bắt tại cửa khẩu Hà Tĩnh. Sau đó, Hường cũng bị bắt và được tại ngoại cho đến ngày xử sơ thẩm thì bị bắt tạm giam trở lại.
Tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận huy động vốn thời hạn gửi và cho vay là 1 năm, lãi suất gửi 1%/tháng, vay 1,5%/tháng (khoản lãi 0,5% chênh lệch giữa gửi và cho vay sẽ được dùng làm quỹ hoạt động của nhóm).
Để tạo niềm tin, thông qua các buổi họp tại các chi hội phụ nữ trong xã, 2 bị cáo đã huy động và trực tiếp nhận tiền tiết kiệm của mọi người với lãi suất gửi 2%/tháng, trường hợp người nào muốn lấy lại tiền thì báo trước cho 2 bị cáo từ 1-3 tháng.
Mỗi lần có người gửi tiền tiết kiệm, 2 bị cáo đều ghi cụ thể nội dung người gửi vào sổ tiết kiệm, cả hai bên đều ký tên và đóng dấu Ban Chấp hành Hội LHPN xã.
Tin lời Chủ tịch và phó Chủ tịch, nhiều người bị “dính bẫy” như nói trên.
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)