(ĐSPL) - Trường tự giới thiệu đang là “sếp” ngân hàng, và có quan hệ thân thiết với nhiều lãnh đạo để chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Theo báo Công an nhân dân, ngày 8/1, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Phùng Hữu Trường (32 tuổi, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nguyên cán bộ một ngân hàng) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cựu cán bộ ngân hàng Phùng Hữu Trường đến tự thú tại CQĐT - Ảnh: báo ANTĐ |
Báo An ninh thủ đô thông tin, trước đó, đầu tháng 12/2016, Trường đã tới CQĐT tự thú về việc đã lừa nhiều người có nhu cầu xin việc tại ngân hàng.
Bước đầu, Phùng Hữu Trường khai nhận: khoảng tháng 10/2012, khi đang làm việc tại ngân hàng A., do làm sai hồ sơ nên anh ta phải đền bù cho ngân hàng 400 triệu đồng và bị buộc thôi việc. Để có tiền trả cho ngân hàng, Trường đã đi vay 300 triệu đồng với lãi suất 3000 đồng/1 triệu/ngày, và vay nặng lãi ở nhiều nơi với số tiền rất lớn. Trước khoản tiền khó trả, Trường nghĩ cách… đánh “lô, đề” để có tiền, nhưng càng đánh càng thua. Bí bách, Trường xoay “kế” khác.
Thông qua các mối quan hệ quen biết hoặc người thân, Trường tự giới thiệu đang là “sếp” ngân hàng, và có quan hệ thân thiết với nhiều lãnh đạo nên có thể giúp “chạy” việc vào ngân hàng với chi phí từ 150-300 triệu đồng/suất.
Quá trình xác minh, đến nay, CQĐT làm rõ có 14 trường hợp đã đưa tiền cho Trường để nhờ xin việc, với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 3,2 tỷ đồng. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội đề nghị, những ai đã đưa tiền cho Phùng Hữu Trường để nhờ xin việc, đến Phòng CSKT, địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để giải quyết.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)