Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, trong cuộc điều trần trước Tiểu ban Phân bổ nguồn lực quốc phòng của Thượng viện Mỹ ngày 14/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ không dừng lại, bởi nó là chiến lược của Mỹ tại khu vực.
"Chúng ta có thể thay đổi chiến lược nếu hậu quả thay đổi không? Tất nhiên là có thể, nhưng vào lúc này, tôi và Ngoại trưởng Rex Tillerson đang nhìn ở khía cạnh quân sự. Chúng tôi đang phối hợp với nhau và tôi nghĩ sẽ không có gì thay đổi sắp tới. Tự do hàng hải là chính sách của nước Mỹ và chúng ta sẽ tiếp tục điều đó", người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định trong cuộc điều trần.
Tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. (Ảnh: Getty Images) |
Đáp lại, thượng nghị sĩ Brian Schatz cho biết lấy làm vui mừng khi các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải đã được nối trở lại, nhưng cần cân nhắc về "quy mô và thông điệp cần truyền tải khi Trung Quốc tiếp tục vi phạm và thách thức luật pháp quốc tế".
Trong lần tàu USS Dewey áp sát đá Vành Khăn, tàu chiến của Mỹ đã diễn tập cứu người ngay trong phạm vi 12 hải lý của thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Cũng trong buổi điều trần ngày 14/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp tục nhắc lại vấn đề Triều Tiên và khẳng định "Mỹ đang trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung Quốc trước mối đe dọa ngày càng tăng này".
Giới quan sát nhận định, những phát biểu của ông Mattis trong buổi điều trần đã làm rõ hơn nữa cách tiếp cận của Mỹ đối Triều Tiên và Biển Đông - hai vấn đề gắn chặt với lợi ích của Trung Quốc.
Báo VietnamNet thông tin, giới chức Mỹ giấu tên cho biết tàu khu trục USS Dewey của Hải quân Mỹ đã di chuyển gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thách thức các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ tới gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump.
TTXVN cho hay, trước đó, Mỹ và các đồng minh hải quân của nước này, trong đó có Pháp, Nhật Bản và Anh đã gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng Biển Đông không phải vùng biển riêng của Trung Quốc mà là vùng biển mở cửa đối với tất cả các tàu thương mại và quân sự.
Bốn đồng minh hải quân trên đang dự định tiến hành một cuộc tập trận chung để “phô trương sức mạnh” chống lại tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Dù khá chắc chắn rằng cuộc phô trương sức mạnh quân sự của các lực lượng hải quân đồng minh sẽ vấp phải sự tức giận của Trung Quốc, hành động này vẫn được đánh giá là có thể kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh trong việc kiểm soát trái phép Biển Đông.
(Tổng hợp)