Với việc bồi lấp để mở rộng hơn rạn san hô trên Biển Đông, Trung Quốc dường như đang nâng tầm ảnh hưởng của quân đội nước này.
Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo do nước này xây dựng phi pháp trên Biển Đông thông qua việc triển khai các nhà chứa máy bay chiến đấu và nhiều loại vũ khí, báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Bắc Kinh do Lầu Năm Góc cho biết.
Sau khi hoàn thành kế hoạch trên, không quân Trung Quốc có thể sẽ điều động 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Ảnh: AP. |
“Mặc dù việc cải tạo đất và các hòn đảo nhân tạo không làm tăng tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc như là một vấn đề pháp lý hoặc tạo ra bất kỳ quyền lợi lãnh hải mới nào, tuy nhiên Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng các thực thể nhân tạo như những căn cứ quân sự - dân sự lâu dài để tăng cường sự hiện diện của nước này trên Biển Đông, và nâng cao năng lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát các thực thể này cũng như các không gian hàng hải gần đó”, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
Bản báo cáo được công bố năm 2016 của Lầu Năm Góc tiết lộ, Trung Quốc đã hoàn thành việc bồi đắp các thực thể phi pháp trên Biển Đông. Trước đó, các cơ quan nghiên cứu và truyền thông đã đưa tin Trung Quốc triển khai các tên lửa và xây dựng các nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo, nhưng đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc đề cập tới việc này.
“Các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong năm 2016, đặc biệt là các hoạt động xây dựng sân bay và các cơ sở hạ tầng khác trên các thực thể tại quần đảo Trường Sa, đã tăng cường năng lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nhưng cũng tạo nên mối quan ngại trong khu vực về ý đồ lâu dài của Trung Quốc”, báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Trung Quốc hiện không còn mở rộng các đá trên Biển Đông, song tới thời điểm hiện nay, Bắc Kinh đang cố gắng bổ sung thêm các cơ sở hạ tầng quân sự trái phép trên các đá này. Các cơ sở mới của Trung Quốc bao gồm các sân bay với đường băng dài, kho chứa nước và nhiên liệu, các cầu cảng lớn, 24 nhà chứa máy bay chiến đấu, các cơ sở thông tin liên lạc, các kho chứa vũ khí, các doanh trại quân đội và các tòa nhà hành chính.
"Ba căn cứ không quân của Trung Quốc ở Trường Sa và một trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa sẽ cho phép máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động trên gần như toàn bộ Biển Đông", báo cáo cho biết.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng tiết lộ thêm rằng Trung Quốc có thể sớm đưa các máy bay chiến đấu mới và hiện đại lên các đảo nhân tạo phi pháp này. Trong đó, hai mẫu máy bay tàng hình mới là J-20 và FC-31 có thể sẵn sàng được triển khai trong năm 2018.
(Theo Defenseone)