(ĐSPL) - Gần 10 năm trong chiến trường, ông Tuol không một lần được về nhà, tin tức bặt tăm. Người vợ mòn mỏi vì chờ đợi đã lỡ rơi vào chuyện tình với em trai của chồng.
Đám cưới của ông Tuol diễn ra nhanh chóng. Hai người chưa kịp yêu nhau đã lên duyên vợ chồng. Sau đó, ông Tuol vào chiến trường ngay để lại người vợ trẻ cô đơn, lủi thủi một mình. Gần 10 năm trôi qua, ông Tuol không một lần được về nhà, tin tức bặt tăm. Người vợ mòn mỏi vì chờ đợi đã lỡ rơi vào chuyện tình với em trai của chồng. Khi trở về, biết chuyện, ông Tuol không những không tức giận mà còn vun vén cho tình yêu đó. Ông đích thân sang nhà vợ, xin cho vợ mình được nên duyên với em trai ông. Và từ đó, gia đình kì lạ hai ông một bà bắt đầu những ngày sống hạnh phúc bên nhau…
Tình duyên kì lạ
Giữa đại ngàn Trường Sơn, có một câu chuyện tình được đồng bào Pa Cô ngưỡng mộ và kể mãi về nó như một chuyện tình ca lãng mạn, đong đầy hạnh phúc. Đó là câu chuyện tình của hai anh em ông Hồ Văn Tuol và Hồ Văn Tua (chú tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới) cùng yêu một người con gái của bản làng có tên là Hồ Thị Kan Peenh.
Chuyện kể rằng vào năm 1963, theo tiếng gọi của chiến trường Trường Sơn, chàng trai trẻ của đồng bào Pa Cô tên Hồ Văn Tuol đã lên đường nhập ngũ. Năm 1967, dù Tuol không ở nhà nhưng bố mẹ anh vẫn tổ chức đám cưới cho Tuol với cô gái tên Hồ Thị Kan Peenh vì hai nhà đã có giao ước từ trước. Hơn nữa, đây cũng là tục lệ của đồng bào Pa Cô, khi con trai đến tuổi dựng vợ thì bố mẹ phải tìm vợ cho con. Hai người trẻ nên vợ nên chồng khi tình cảm chưa mấy sâu đậm. Tuol biền biệt nơi chiến trường, để lại cô vợ trẻ ngày ngày lên nương lên rẫy một mình lẻ loi.
Cứ như vậy, thời gian trôi qua mới đó đã gần 10 năm, Tuol đi chiến đấu không một lần biên thư về nhà khiến người vợ chờ đợi trong cô đơn khắc khoải. Thương chị dâu một mình vất vả lo toan mọi việc trong nhà, ông Hồ Văn Tua (nay đã 69 tuổi), là em của ông Hồ Văn Tuol, lúc đó đang là thầy giáo dạy học ở bản làng, đã giúp đỡ chị rất nhiều. Qua trò chuyện, tiếp xúc giữa hai người nảy sinh tình cảm, gắn bó, thân thiết.
Ông Hồ Văn Tua khi còn trẻ đã nổi tiếng là người có ăn học của buôn làng, lại cộng thêm chất nghệ sĩ nên mỗi khi tiếng đàn của ông Tua cất lên là có nhiều cô gái… muốn đi chơi cùng. Tiếng đàn Tâm Peenh của đồng bào Pa Cô là để rủ bạn gái đi chơi, nhưng mỗi khi đàn xong, chân Tua không muốn bước đi chơi cùng các cô gái. Trái tim chàng trai này đã khắc ghi một hình bóng khác. Và cứ thế, tình yêu đến với họ tự nhiên như núi rừng, khe suối. Họ không nói với nhau lời nào, cũng chẳng hẹn thề gì cả nhưng tiếng đàn đã nói hộ những nỗi niềm yêu thương…
Hạnh phúc… thấm đẫm nước mắt
Gần 10 năm trôi qua, từ chiến trường trở về, ông Tuol vui mừng khi gặp vợ sau những ngày dài nhớ nhung. Nhưng rồi ông bật khóc khi biết chuyện em trai đã “lỡ yêu” vợ mình. Tưởng rằng ông Tuol sẽ tức giận và ngăn cản chuyện tình này nhưng chẳng ngờ rằng, chính ông đã vun vén cho vợ và em trai mình rồi đích thân sang gia đình bố mẹ vợ thưa chuyện để cho em mình là ông Tua được ăn nắm xôi kết duyên của Kan Peenh. Và từ đó họ bắt đầu sống chung dưới một mái nhà.
Nhớ về chuyện xưa, ông Tuol nói:“Thực ra trong chuyện này,tôi có lỗi rất nhiều vì đã để Kan Peenh chờ đợi mòn mỏi, sống trong cô độc. Tôi thương cả vợ và em trai mình nên để họ sống cùng một nhà hòa thuận, hạnh phúc với nhau. Đó như là một sự chuộc tôi của chính tôi”. Người đồng bào Pa Cô vốn ít nói, chỉ cần cái bụng thật lòng là đủ. Và chính nhờ sự chân thành và độ lượng của ông Tuol và gia đình kì lạ của ông luôn được êm ấm. Ông Tua tâm sự: “Mình là em, được anh trai thương và cho sống chung cùng anh chị là mình đã mãn nguyện lắm rồi. Nên mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà mọi người đều nhường nhịn nhau để cuộc sống êm ấm”. Bà Kan Peech sinh được tất cả mười người con. Gia đình kì lạ này quy ước tất cả các con đều gọi ông Hồ Văn Tuol là bố, còn ông Hồ Văn Tua là chú. Ông Tua tâm sự, tôi cũng mong được nghe các con gọi mình một tiếng “bố” nhưng quy ước là quy ước, ông nhất định làm theo để gia đình được yên ấm.
Bóng chiều đã ngả xuống làm cho cả bản làng man mác buồn, chúng tôi chờ mãi cuối cùng cũng được gặp nhân vật chính trong câu chuyên. Bà Hồ Thị Kan Peenh đi rẫy về, mái tóc đã điểm sương ở cái tuổi 74, châm tẩu thuốc hút cho ấm bụng rồi nói: “Ai mẹ cũng thương yêu cả, là phụ nữ thì phải biết lắng nghe và san sẻ những nỗi buồn thầm kín của mỗi người. Mẹ không thiên vị ai hết vì sợ người còn lại buồn”. Nói đến thế, mẹ Kan Peenh xấu hổ nên chúng tôi có gạn hỏi mãi, mẹ cũng chỉ cười… "chuyện là rứa đó, mẹ cũng không biết nói gì…”.
Khi chúng tôi đem câu chuyện vừa mới nghe vừa lạ lẫm, khó tin này hỏi người bản làng thì nhiều người cho biết: “Cả xã này chỉ có một gia đình nhà ông Tuol là hai anh em ruột lấy chung một người vợ, nhưng họ sống rất tình cảm, chưa hề cãi vã nhau một lần nào hết”. Còn cơ quan chính quyền tại địa phương thì cho rằng: “Xét theo luật đó là sai phạm nhưng vì đồng bào mình còn sống tự nhiên, chuyện gia đình ông Tuol vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Nhưng quan trọng hơn cả là họ sống rất hòa thuận với nhau, chưa hề có chuyện gì ảnh hưởng đến dân bản. Nên chúng ta đừng bàn luận đúng sai, phán xét mà hãy coi đó là bài học để rút ra kinh nghiệm” bà Hoang Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết.
MAI TIÊN
Bài đã được đăng trên tờ Hôn nhân pháp luật – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật
Xem thêm video Giây phút cặp đôi đồng tính sắp kết hôn phát hiện họ là anh em ruột
[mecloud]uuXefyvK6i [/mecloud]