(ĐSPL) - Là một trong những đơn vị được Chính phủ biểu dương về công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) QL1A, nhưng thực tế tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã lộ rõ một số khuất tất và nhập nhèm trong công tác này.
Dài cổ chờ… tiền đền bù
Dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn Nam tuyến tránh TP Hà Tĩnh – Kỳ Anh được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại quyết số 224/QĐ-BGTVT ngày 30/01/2011, do sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Ông Hóa vẫn đang mòn mỏi đi tìm công lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. |
Thực thi quyết định trên, người dân huyện Cẩm Xuyên nói chung và các hộ tổ dân phố 9 thị trấn Cẩm Xuyên nói riêng đã chấp hành nghiêm chỉnh, tháo dỡ mái che, lều quán… để trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Trước những động thái tích cực đó, ngỡ rằng sau khi kiểm kê và áp giá đền bù, người dân sẽ nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ. Thế nhưng, đã gần nửa năm nay, bà con nơi đây vẫn chưa nhận được bất cứ đồng tiền hỗ trợ nào, mặc dù tiền đền bù đã được xét duyệt và giải ngân về đến Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (HĐ bồi thường, hỗ trợ GPMB) huyện.
Bức xúc về vấn đề trên, các hộ dân tổ dân phố 9, thị trấn Cẩm Xuyên đã nhiều lần làm đơn tập thể trình lên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện nhưng tất cả đều không được giải quyết thỏa đáng, thay vào đó chỉ nhận được câu trả lời là có đơn thư khiếu nại và còn xem xét lại hồ sơ?
Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này, PV báo ĐS&PL đã về tìm gặp trực tiếp các hộ dân nơi đây. Đơn cử như trường hợp ông Đặng Văn Hóa (nhận quyền sử dụng đất năm 1993) và ông Đặng Thành Nam (nhận quyền sử dụng đất năm 2003) là 2 trong 3 hộ liền kề nhận quyền sử dụng đất của ông Đặng Văn Cường, thuộc đất có nguồn gốc sử dụng trước năm 1982. Hiện, 2 ông đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Quyết định giao đất (bìa xanh). Từ khi nhận quyền sử dụng đất đến nay, ông Hóa và ông Nam vẫn sinh sống ổn định trên mảnh đất của mình, không có tranh chấp và nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng QL1A lần 1 năm 1999. Hàng năm, các ông vẫn nạp thuế đất tuyến 1 đầy đủ.
Nhà của ông Hóa và ông Nam. |
Trước những chứng cứ xác thực trên, tiểu ban GPMB thị trấn Cẩm Xuyên đã xem xét lập hồ sơ đền bù đưa lên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện và đã được UBND tỉnh xét duyệt và niêm yết công khai tại UBND thị trấn và hội quán tổ dân phố.
Đến ngày chi trả tiền đền bù, ông Hóa, ông Nam và một số hộ khác như bà Nguyễn Thị Minh, Đặng Thị Thanh… ở cùng tổ dân phố 9 đã vui mừng, phấn khởi lên nhận, bất ngờ được thông báo không cho nhận, với lý do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện đưa ra là: “Phải xem xét lại hồ sơ và việc xác định quyền sử dụng đất của các hộ trong phạm vi GPMB còn thiếu cơ sở”. Nay đã nửa năm trôi qua, một số người dân nơi đây như ông Hóa, ông Nam vẫn chưa nhận được bất cứ đồng tiền đền bù nào.
Nhận tiền phải… “để lại một khoản cho HĐ bồi thường, hỗ trợ GPMB” (?!)
Việc “xem xét lại hồ sơ” của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện Cẩm Xuyên tự nó đã thể hiện sự đối nghịch và chứa đựng nhiều uẩn khúc trong quá trình tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Câu hỏi đặt ra là, tại sao một số hộ dân cùng trường hợp tương tự như vậy lại được nhận tiền đền bù bình thường mà không có một vướng mắc vấn đề gì, như trường hợp ông Đặng Văn Quyền…; và tại sao không xem xét lại hồ sơ ngay từ đầu mà đến khi người dân lên nhận tiền thì mới xảy ra tình trạng này?
Ông Bùi Quang Mai đang trả lời với PV báo chí. |
Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Quang Mai, Phó chủ tịch UBND – Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng QL1A huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đó là do tiểu ban GPMB thị trấn làm trật”. Khi PV hỏi: Tiểu ban GPMB thị trấn là đơn vị lập hồ sơ kiểm kê nhưng chính ông là người đặt bút ký?, thì vị này phân trần: “Mỗi ngày có hàng trăm hồ sơ thì tôi làm sao kiểm tra hết được”.
Đồng thời, ông cũng đưa ra lý do, một số hộ nêu trên không nhận được tiền đền bù đó là vì giữa người chuyển quyền và nhận quyền sử dụng đất (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bìa xanh) chưa thỏa thuận được với nhau. Khi chuyển quyền sử dụng đất không có văn bản thỏa thuận chuyển phần đất nằm trong chỉ giới hành lang giao thông nên những người nêu trên muốn được đền bù thì phải có văn bản thỏa thuận với người chuyển quyền sử dụng đất.
Những giấy tờ gửi lại tiền cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng |
Chính điều này mà những người như ông Hóa, ông Nam đã phải mòn mỏi đi tìm công lý để bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của mình. Thực tế đang diễn ra tại địa phương, một số hộ muốn có văn bản thỏa thuận với người chuyển quyền sử dụng đất để được nhận tiền đền bù đành phải theo cơ chế “ăn chia”.
Theo điều tra của chúng tôi, một số hộ muốn nhận tiền đền bù Dự án, nâng cấp, mở rộng QL1A thì phải gửi lại cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện một khoản tương đương 20\% giá trị tiền đền bù, gọi là để gửi cho người trước đây đã bán đất cho gia đình mình. Để hợp thức hóa việc nhận tiền đền bù, ngay sau khi nhận tiền xong, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện đứng ra làm trung gian đã “động viên” chính các hộ này viết vào một tờ giấy gửi lại số tiền nêu trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.