Năm 1944, quân Đồng Minh thống nhất đánh phá các cơ sở quân sự của phát xít Nhật ở các nước Đông Nam Á, nhiệm vụ này được giao cho không quân Mỹ. Căn cứ quân sự của quân đội Nhật nằm rải rác tại Hà Nội và các tỉnh thành ở miền Bắc là mục tiêu của máy bay đồng minh.
Để tránh bom, bộ Chỉ huy quân đội Nhật ở Hà Nội đã xây dựng nhiều hầm trú ẩn và một trong những căn hầm kiên cố còn đến ngày nay là hầm chữ chi hiện nằm dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ. Hầm xây bằng gạch, có hai cửa, sâu ngập đầu người. Thời chiến tranh chống Mỹ, hầm là nơi trú ẩn cho cán bộ, nhân viên UBND TP.Hà Nội, người đi đường. Từ văn phòng ủy ban có hào ngầm để sang hầm này. Kết thúc chiến tranh hầm ngập ngụa rác vì những người bán quà rong tống xuống. Chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979, hầm được dọn sạch rác làm nơi trú ẩn cho nhân dân.
Trong khu vực hoàng thành hiện có một căn hầm quan trọng của bộ Quốc phòng, hầm vừa là nơi trú bom vừa làm nơi chỉ huy chiến đấu. Hầm được xây dựng tháng 4/1964 hoàn thành vào tháng 7/1964. Hầm hình chữ nhật diện tích 65m2, bằng bê tông nguyên khối, nóc hầm nhô lên khỏi mặt đất dày 1,5m gồm 3 lớp, lớp dưới và lớp trên cùng bằng bê tông cốt thép, lớp giữa bằng cát, tường hầm dày 40cm, cao 2,7m. Có 2 đường lên xuống, một ở phía Đông, một ở phía Nam. Mỗi đường xuống có hai lần cửa bằng thép, cửa nọ cách cửa kia khoảng 1m. Theo tính toán, hầm chống được sức công phá của bom tấn, tên lửa không đối đất, chống được bom nguyên tử và vũ khí hóa học, vi trùng... Hầm được chia làm 3 phòng gồm: Phòng giao ban tác chiến, rộng 20m2; phòng trực ban tác chiến, rộng 34m2 và phòng đặt trang thiết bị, động cơ vận hành hệ thống thông hơi, lọc độc làm mát... rộng 11m2. Sáng19/12/1972, tại đây có cuộc họp giữa Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn với tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng quyết định trận chiến đánh B52 trên bầu trời Hà Nội. Sau chiến thắng B52, hầm chỉ huy Bộ Tổng tham mưu là trung tâm chỉ huy, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới toàn thắng.
Một căn hầm khác đã được xếp hạng di tích cách mạng và kháng chiến, đó là hầm ở 62 Trần Quốc Toản. Đây là nơi làm việc của Thành ủy Hà Nội trong thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc. Hầm rộng khoảng 100m2, nửa nổi nửa chìm, bên trên nóc đổ cát để chống bom bi. Từ hầm ra phố Trần Quốc Toản có lối thoát phòng khi căn hầm bị sập. Hầm được xây bằng bê tông cốt thép dày 1,5m hiện vẫn nguyên vẹn, do quân đội quản lý.
Khách sạn Metropole Hà Nội, cũng có một hầm tránh bom. Không rõ hầm xây dựng năm nào, nhưng chắc chắn, nó được làm trong khoảng thời gian Mỹ ném bom Hà Nội lần thứ nhất (bắt đầu từ tháng 6/1966). Trong thời gian chống Mỹ, nguyên thủ các quốc gia, nhà ngoại giao, nhà báo, nghệ sĩ... đến miền Bắc đều nghỉ tại đây vì khách sạn này sang nhất thời đó. Tháng 8/2011, tổng giám đốc khách sạn ông Kai Speth và giám đốc kỹ thuật đã cho khoan một lỗ rộng một mét vuông ngay trên nóc hầm và phát hiện diện tích hầm rộng chừng 40 mét vuông. Trong căn hầm còn một chai rượu, những bóng đèn điện vẫn còn nguyên. Năm 1972, ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Joan Baez đã trú ẩn dưới căn hầm này và tại đây, cô sánh vai với một nhạc công guitar người Việt cất cao tiếng hát. Dù hầm trú ẩn được tìm ra, nhưng vẫn còn câu hỏi, Bob Devereaux, người đã viết tên mình trên bức tường xi măng dưới căn hầm ngày 17/8/1975 là ai, quốc tịch nước nào? Và đó có phải là ngày căn hầm bị bịt lại hay không?
NGUYỄN NGỌC TIẾN