+Aa-
    Zalo

    Hà thành kim cổ ký: Ăn sáng của con trẻ một thời

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quà sáng đã trở thành thói quen và nhu cầu cần thiết của thị dân, nhất là thị dân Hà Nội. Nó không thể thiếu đối với người lớn và con trẻ.

    Quà sáng đã trở thành thói quen và nhu cầu cần thiết của thị dân, nhất là thị dân Hà Nội. Nó không thể thiếu đối với người lớn và con trẻ. Quà sáng cung cấp năng lượng cho người lớn có sức làm việc và con trẻ có sức để ngồi yên trong lớp học hành.

    Để đáp ứng nhu cầu, nửa đầu thế kỷ XX, nhiều quán bán quà sáng xuất hiện trên các phố, cùng với những người bán rong.Nho giáo ảnh hưởng đến cả miếng ăn và cách ăn. Chỉ có người lớn mới được quyền ăn ở quán, có bàn ghế đàng hoàng, ngồi ngoài đường nhai nhồm nhoàm là thiếu tự trọng. Vì thế, ngồi ăn ở các quán vỉa hè chỉ có người lao động. Trước khi con cái đến trường, người lớn trong gia đình ra phố mua quà sáng về cho con ăn trong nhà, không có chuyện cha mẹ dắt con ra quán. Mặt khác, trẻ không được đòi hỏi ăn quà này, quà kia, ăn gì là do người lớn quyết định. Trước 1954 người lớn không bao giờ cho trẻ vài xu để chúng tự ăn quà. Khi trẻ đã học trung học, lúc đó cha mẹ tin tưởng mới cho tiền để chúng tự ăn sáng.

    Thời bao cấp, do cuộc sống thiếu thốn, khó khăn nên nhiều gia đình trở lại với ăn cơm sáng như từng có trong lịch sử. Rất ít gia đình có điều kiện mua quà sáng cho con và nếu có thì cũng chỉ là gói xôi lúa. Trong giai đoạn này, người lớn đều phải đi làm nên các gia đình có điều kiện đã thay đổi quan niệm, họ cho con vài hào ăn quà và dĩ nhiên ăn ở các quán phở mậu dịch quốc doanh.

    Cơm sáng cũng được coi như quà sáng. Cả nhà ăn rồi sau đó người lớn cho vào cặp lồng mang đến nơi làm việc ăn bữa trưa. Cơm và thức ăn còn lại để cho con học buổi sáng về ăn. Vào mùa đông, các nhà xới cơm vào cái liễn sau đó ủ trong chăn bông giữ ấm. Cách này chỉ có tác dụng giữ ấm được vài tiếng nhưng còn hơn cơm lạnh ngắt.

    Lại có nhà ăn sáng bằng cách, bữa chiều hôm trước nấu dư cơm để sáng hôm sau có cơm nguội rang cho con. Vì thực phẩm bán bằng phiếu và theo tiêu chuẩn nên nhà nào mua mỡ thì thôi mua thịt hoặc ngược lại. Mỡ không sẵn nên cơm rang chỉ có chút nhờn nhờn cho khỏi cháy chảo. Có hôm hết nước mắm hay xì dầu đành phải thay bằng nước muối. Lại thêm gạo mậu dịch để trong kho vài năm mới bán nên cơm rang vừa khô vừa rời rạc. Không ăn thì đói không học được nên trẻ không thích cũng phải ăn. Vì biết nhà thiếu thốn, hàng xóm cũng thiếu thốn như nhà mình nên trẻ con thời đó không bao giờ mè nheo, đòi hỏi. Và chúng cũng biết, có đòi hỏi cũng không được nên chỉ còn cách trệu trạo nhai và nuốt rồi đi học.

    Lại có giai đoạn Hà Nội ăn độn mì và hầu hết các gia đình nấu mì sợi cho con ăn. Mì sợi nấu với nước lã cho tí mì chính để đánh lừa lưỡi. Mùa có cà chua thì cho một hai quả, nồi mì có màu hồng đánh lừa thị giác cũng đỡ ngắc ngứ hơn. Không có cà chua, nồi mì trắng như mắt ma.

    Rồi những năm 1973, 1974, Hà Nội ăn sáng bằng bánh mì, thời điểm đó mỗi gia đình được phát sổ bánh mì. Bánh được đựng trong xe đẩy và nhân viên ngành lương thực đẩy xe ra đầu phố, cứ mang sổ ra lấy, lấy bao nhiêu thì họ gạch tiêu chuẩn trong sổ. Cũng có bánh mì ngọt nặng 100gram cong cong nên gọi là bánh sừng bò. Giai đoạn thập niên 80 kinh tế đất nước khó khăn hơn nên rất nhiều gia đình Hà Nội quay lại nấu cơm ăn sáng, dĩ nhiên trẻ con cũng phải ăn cơm.

    NGUYỄN NGỌC TIẾN
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 96 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-thanh-kim-co-ky-an-sang-cua-con-tre-mot-thoi-a240028.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan