Báo Nhân Dân đưa tin ngày 29/3, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sở đã ban hành Kế hoạch Triển khai thí điểm học bạ số các trường phổ thông. Được biết, học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện tại, 100% thông tin học sinh phổ thông đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư.
Đồng thời, 100% trường tiểu học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo.
Tất cả các cơ sở giáo dục đã sử dụng phần mềm quản lý giáo dục chuyên ngành kết nối với cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo để quản lý hồ sơ học sinh, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, trích ngang hồ sơ giáo viên.
Cùng với đó, 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu phục vụ triển khai học bạ số.
Tính tới ngày 15/3, 45,1% giáo viên, nhân viên ở các trường phổ thông đã được trang bị chữ ký số cá nhân, với tổng số lượng 37.509 chữ ký số.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, việc triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên địa bàn thành phố. 100% cơ sở giáo dục phổ thông tham gia thực hiện thí điểm.
Học bạ số sẽ được thực hiện thí điểm đối với khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11 năm học 2023-2024 (các khối lớp thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 27/2020/TT BGDĐT).
Theo kế hoạch, tháng 4/2024 sẽ triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, tới tháng 5/2024 triển khai thí điểm cấp trung học. Vào tháng 7/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả quá trình thí điểm học bạ số.
Theo báo Dân Trí, với học bạ số, phụ huynh, học sinh cũng như các trường học được cấp quyền truy cập sẽ tra cứu được toàn bộ quá trình học tập của học sinh.
Cổng tra cứu học bạ số trực tuyến cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Học bạ số gồm các thông tin cá nhân của học sinh và kết quả học tập rèn luyện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, học bạ số được bổ sung các trường thông tin không có trong học bạ giấy như mã số tra cứu học bạ, mã số định danh, ngày hiệu lực của học bạ số.
Các trường học báo cáo học bạ số, chốt dữ liệu học bạ của tất cả học sinh về cơ sở dữ liệu học bạ do Sở GD&ĐT quản lý trước ngày 30/6 hàng năm.
Với những học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học tại thời điểm 30/6 và cần được đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học, thời gian chốt dữ liệu học bạ trước ngày 15/8.
Cơ sở dữ liệu học bạ do Sở GD&ĐT quản lý cho phép tiếp nhận học bạ từ các nhà trường, cho phép nhà trường thu hồi hoặc báo cáo thay thế học bạ số trong thời gian chưa chốt dữ liệu học bạ.
Vì thế, học bạ số chỉ có thể được sửa chữa nếu có sai sót trước ngày chốt dữ liệu. Kể từ thời điểm chốt dữ liệu, học bạ số được xem là có hiệu lực sử dụng và không thể sửa, thay đổi được nội dung.
Được biết, đơn vị duy nhất có thẩm quyền sửa chữa và chịu trách nhiệm về thông tin học bạ thuộc về nhà trường nơi phát hành học bạ.
Trước ngày 10/7 hàng năm đối với học sinh đã được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học và trước ngày 25/8 đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, Sở GD&ĐT báo cáo toàn bộ dữ liệu về học bạ về Bộ GD&ĐT qua cơ sở dữ liệu ngành giáo dục để sử dụng cho công tác quản lý nhà nước của bộ và phục vụ tra cứu trên cổng tra cứu học bạ toàn quốc.
Đ.K(T/h)