Trả lời kiến nghị cử tri về đề nghị thông tin cụ thể về dự án xây cầu Tứ Liên để người dân biết về quy hoạch, thiết kế, thời gian thực hiện dự án này, UBND TP.Hà Nội cho biết theo quy hoạch cầu Tứ Liên, công trình cầu Tứ Liên nằm trên tuyến đường trục chính đô thị phía bắc Sông Hồng (TC17) với chiều dài khoảng 4.84km, với 5 nút giao (Nghi Tàm, hữu Hồng, bãi giữa, tả Hồng và đường QL5 kéo dài). Phương án kiến trúc cầu dây văng, kết hợp văng xoắn được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 30/3/2020.
UBND Thành phố đã giao Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông thành phố tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo Quyết định số 4098/QĐ- UBND ngày 28/10/2022. Hiện nay, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông thành phố đang tổ chức công tác chuẩn bị đầu tư.
Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu này đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, với cầu Tứ Liên chiếm đến 2,9km trong tổng số này.
Cầu chính của dự án có chiều dài 1km và được thiết kế với mặt cắt ngang bao gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ, đảm bảo khả năng phục vụ giao thông hiệu quả và an toàn.
Vị trí của cầu Tứ Liên nối liền quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, đây được coi là một trong những tuyến giao thông quan trọng giúp kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Vành đai 3. Dự án được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với mức đầu tư sơ bộ ước lượng khoảng 20.000 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội dự kiến sẽ có tổng cộng 18 cầu vượt sông Hồng, trong đó đã hoàn thành 9 cầu bao gồm Văn Lang, Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy giai đoạn 1 và Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Các cầu còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư như Hồng Hà, Mễ Sở, Thăng Long mới, Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên và Vân Phúc.