Với lý do lượng hành khách còn ít và việc sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý, Hà Nội sẽ thí điểm phương án để xe buýt thường sẽ được đi vào làn đường dành riêng cho BRT.
Theo thông tin đăng tải trên báo VnExpress, trao đổi với báo chí ngày 8/5, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch thành phố về việc xây dựng phương án thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn dành riêng cho buýt nhanh - BRT, đơn vị đang tổ chức khảo sát, lên phương án để trình cấp trên xem xét.
"Nếu được lãnh đạo chấp thuận, việc thí điểm có thể bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài 6 tháng", ông nói và nêu rõ tất cả xe buýt thường chạy trên tuyến đường của BRT đều là các tuyến buýt gom khách cho BRT và không tuyến buýt thường nào chạy trùng với buýt nhanh.
Cũng theo ông Hải: "Tần suất mỗi lượt BRT khoảng 5-10 phút nên việc thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn riêng sẽ giúp tận dụng tối đa khoảng thời gian xen kẽ của các lượt xe BRT. Hơn thế, cho xe buýt thường đi vào làn BRT sẽ giảm được áp lực giao thông ở phần đường dành cho phương tiện khác"
Hà Nội sẽ thí điểm phương án để xe buýt thường sẽ được đi vào làn đường dành riêng cho BRT - Ảnh: báo Tiền Phong |
Hiện Tramoc khảo sát kỹ thuật để đưa ra phương án phù hợp, vì điểm dừng đỗ của buýt thường khác với buýt nhanh. Cụ thể, điểm dừng đỗ của BRT nằm giữa dải phân cách, trong khi buýt thường nằm sát vỉa hè.
"Chúng tôi phải tổ chức điểm ra vào làn đường ưu tiên cho buýt thường, có thể xê dịch một số điểm đón, trả khách của buýt thường sao cho phù hợp với điểm đón của BRT", lãnh đạo Tramoc cho hay và khẳng định mọi giải pháp đều hướng tới phục vụ BRT tốt hơn.
"Việc cho buýt thường đi vào làn ưu tiên là thí điểm, không phải giải pháp cứng. Mà thí điểm thì có thể thành công hoặc không, nên phải vừa làm vừa điều chỉnh", ông Hải khẳng định.
Báo Người Đưa Tin cho hay, dự án xây dựng tuyến buýt nhanh BRT có tổng mức đầu tư hơn 55,33 triệu USD từ nguồn vốn ODA của ngân hàng Thế giới, khởi công năm 2013. Tuyến buýt này có lộ trình từ bến xe Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã.
Theo thiết kế, tuyến có tổng chiều dài 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này khoảng 3,75m và gồm 21 nhà chờ nằm trên dải phân cách giữa đường, 1 trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, 1 trạm đầu - cuối bến xe Yên Nghĩa và 4 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ.
Mặc dù dự kiến hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến cuối năm 2016, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên mới được khai trương trên quãng đường 14,7 km từ Kim Mã (Ba Đình) đến Yên Nghĩa (Hà Đông), xe chạy với vận tốc 20km/h. Đầu năm 2017, buýt nhanh BRT mới chính thức đi vào hoạt động và đến nay, vẫn chưa cho thấy hiệu quả, thậm chí đang có nguy cơ “vỡ trận”.
Tổng hợp