Cùng với tục khai bút đầu năm, xin chữ trong những ngày Tết cổ truyền cũng là phong tục đẹp đầy tính nhân văn của dân tộc Việt nhằm gửi gắm mong ước xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Từ đời xưa, khi muốn xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy đồ (học vị Tú tài được vua ban, hoặc nho sĩ hay chữ trong vùng được kính trọng). Người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp.
Ngày nay khi văn hóa thư pháp đã trở nên phổ biến hơn, người xin chữ không cần phải đến nhà thầy đồ, chỉ cần đến phố ông đồ, chọn một trong số các ki ốt trong "phố ông đồ" để xin chữ. Bên cạnh các ông đồ già uyên thâm giàu kinh nghiệm, giờ đây còn có những ông đồ trẻ với những con chữ sáng tạo bay bổng, hiện đại.
Không chỉ cho được chữ Hán, các ông đồ có thể cho chữ quốc ngữ (chữ viết theo lối thư pháp)… Cùng với việc cho chữ, ông đồ cũng giảng giải ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Mọi năm, người dân Hà thành, các sĩ tử thường đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tham quan, du xuân và đặc biệt là xin chữ đầu năm. Dịp Tết năm nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đóng cửa tạm dừng hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều người vẫn đến phố Văn Miếu xin chữ trong những ngày đầu năm.
Việc xin chữ đầu năm đã trở thành truyền thống rất lâu đời và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân thủ đô. Các sĩ tử Hà thành đến đây chủ yếu xin chữ "Đăng Khoa", "Đỗ Đạt" với mong muốn sẽ có kết quả thuận lợi trong các kỳ thi trong năm Nhâm Dần 2022. Tại khu vực ngoài Văn Miếu, việc xin - cho chữ diễn ra nhanh chóng không phải xếp hàng, đợi lâu như mọi năm.
Một số hình ảnh người dân Hà Nội đến xin chữ tại phố Văn Miếu, Hà Nội:
Bích Thảo(T/h)
Ảnh: VietNamNet, Tiền Phong, VTC News