(ĐSPL) - Hàng loạt gia cầm gà, vịt được chất đống lên nhau, vứt dưới nền nước thải tràn lên lối đi bốc mùi tanh, hôi hám đã kéo dài nhiều tháng tại khu chợ Gia Quất thuộc tổ 4, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội.
Theo phản ánh của người dân tại chợ Gia Quất, tình trạng ô nhiễm này xuất hiện từ nhiều tháng nay khiến họ vô cùng bức xúc.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do các tiểu thương kinh doanh giết mổ gia cầm phía cuối chợ, gần khu nhà vệ sinh đã không dọn dẹp sạch sẽ khiến cống tắc nghẽn, nước lênh láng khắp lối đi và bốc mùi hôi hám.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, PV tận mắt ghi lại cảnh giết mổ gia cầm không khỏi rùng mình tại khu chợ này.
Gia cầm chất ngổn ngang dướt đất sau khi được giết mổ. |
Theo tìm hiểu PV, số lượng gia cầm này sẽ được bán lẻ trực tiếp cho người dân hoặc đưa vào nhà hàng theo đơn đặt sẵn. Theo đó, chung quanh khu vực giết mổ, máu, nội tạng gia cầm lênh láng hòa lẫn cùng nước thải. Gia cầm chưa và đã được giết mổ nằm la liệt, lẫn lộn từ trong ra ngoài. Kinh khủng nhất là vịt được cắt tiết ngay cạnh bên các xô chất thải lềnh bềnh ruồi nhặng và những bát tiết này sẽ được dùng để chế biến món tiết canh.
Tại đây, có khoảng gần chục địa điểm giết mổ, mỗi điểm có 3-4 người phụ trách các khâu từ cắt tiết, trụng (nhúng gia cầm vào nước sôi), vặt lông… Tất cả đều không có khẩu trang, găng tay.
Vì nước tràn lên ngập khắp lối đi dẫn tới nhà vệ sinh trong chợ nên đã từ lâu ngay cả các tiểu thương tại đây cũng rất ít khi dùng tới nhà vệ sinh này.
Video: Rùng mình ô nhiễm ở chợ Gia Quất?
[mecloud]ovcvHE0lob[/mecloud]
“Tôi thấy tình trạng giết mổ gây ô nhiễm và ngập nước này có từ lâu rồi, đầu năm 2016 ban quản lý đã xây lại khu vệ sinh, thoát nước mới nhưng tình trạng còn tắc nặng hơn, mặc dù tháng nào chúng tôi cũng phải đóng phí vệ sinh đầy đủ” – anh Đ.T.M. một người bán hàng ăn trong chợ cho hay.
Khi PV đặt câu hỏi hàng ngày có nhân viên vệ sinh tới dọn dẹp hay không? Một tiểu thương cho biết: “Đa số chỗ của ai người ấy tự ý thức dọn dẹp cho sạch chứ nhân viên vệ sinh chỉ dọn rác ở thùng. Nhưng tình trạng ô nhiễm tắc nghẹn kéo dài này phần lớn là do hàng gà, hàng vịt giết mổ không dọn sạch mà đổ thẳng chậu nước chứa đầy lông ra đường, vít hết cống nên nước thải không thoát ra ruộng được”.
Chị Bình, một người dân đi chợ tại đây cho hay, chị không dám xuống khu giết mổ này vì nước bẩn tràn khắp lối đi cùng mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. “Gia đình mình cũng hay ăn vịt cuối tuần nhưng chỉ đứng ở đầu này gọi mua và xem làm trực tiếp chứ không đi vào khu cuối chợ do nước ngày nào cũng ngập bốc mùi”.
Liên quan tới vấn đề trên, ngày 31/10 PV đã liên hệ tới ông Bùi Quang Cự – Phó chủ tịch UBND Phường Thượng Thanh để tìm hiểu vấn đề trên địa bàn.
Tại đây, ông Cự cho biết không hề biết về sự việc mà người dân phản ánh tới cơ quan báo chí, tuy nhiên ông sẽ sớm cho người xuống kiểm tra xác minh.
“Tôi cũng mới nhận chức được 2 tháng nên tình hình ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh tại chợ Gia Quất tôi chưa nắm rõ. Trước đây việc này do anh Lực quản lý (ông Hoàng Văn Lực - Chủ tịch UNND Phường Thượng Thanh – PV), nếu hỏi được anh ấy các bạn sẽ rõ thông tin hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sớm kiểm tra về tình hình này và thông tin cho các bạn” – Vị cán bộ trao đổi.
Khi PV hỏi về hình thức xử phạt các trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) đối với các cơ sở giết mổ trong chợ và kế hoạch kiểm tra ATVSTP định kỳ vị phó chủ tịch đều trả lời nắm không rõ...?
“Chúng tôi sẽ liên hệ với ban quản lý chợ và thú y xã để tìm hiểu vấn đề này” – Ông Cự cho biết.
Theo Thông tư 61/2010 quy định giết mổ gia cầm của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia cầm phải đảm bảo các điều kiện như sao: Trang thiết bị: gồm các dụng cụ, máy móc sử dụng để giết mổ, chứa đựng, pha lóc và vận chuyển gia cầm và thịt gia cầm. Làm sạch: Là việc thực hiện các biện pháp cơ học để loại bỏ các chất vô cơ, hữu cơ bám dính trên bề mặt của thiết bị, dụng cụ, đồ bảo hộ, nhà xưởng của cơ sở giết mổ. Khử trùng: Là việc sử dụng các tác nhân vật lý, hóa học để tiêu diệt các vi sinh vật vấy nhiễm trên đối tượng cần khử trùng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Vệ sinh: Là điều kiện đối với công nhân, thiết bị dụng cụ, nhà xưởng của cơ sở giết mổ để đảm bảo quá trình sản xuất được thực hiện trong một môi trường phù hợp và sản phẩm tạo ra đáp ứng được các tiêu chí an toàn đối với người sử dụng. Khu vực sản xuất: Bao gồm khu nuôi nhốt gia cầm chờ giết mổ và khu giết mổ. Khu giết mổ: Là nơi diễn ra các hoạt động gây choáng, lấy tiết, nhúng nước nóng, đánh lông, tách phủ tạng, làm sạch phủ tạng ăn được, rửa thân thịt lần cuối, làm lạnh, kiểm tra thân thịt và dán tem, đóng dấu kiểm soát giết mổ. Khu sạch: Là nơi diễn ra hoạt động, rửa lần cuối, làm lạnh, kiểm tra thân thịt lần cuối, pha lóc, đóng gói. Khu bẩn: Là nơi nuôi nhốt gia cầm chờ giết mổ, gây choáng, lấy tiết, nhúng nước nóng, đánh lông, tách phủ tạng, làm sạch phủ tạng ăn được, thu gom phụ phẩm. |
Hoàng Nhung
Video xem nhiều nhất: [mecloud]ovcvHE0lob[/mecloud]