+Aa-
    Zalo

    Hà Nội: Những mảnh đời khổ đau ở trại phong bỏ hoang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng họ có chung một nỗi đau mang trong mình căn bệnh phong quái ác. Có những bệnh nhân bị phong ăn cụt hết các ngón chân

    Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng họ có chung một nỗi đau mang trong mình căn bệnh phong quái ác. Có những bệnh nhân bị phong ăn cụt hết các ngón chân, ngón tay, sống cô đơn đến chết vẫn không có người thân đến nhận.

    Trại phong Đá Bạc tọa lạc giữ những ngọn đồi heo hút trên địa bàn xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi đây được xem như là “ngôi nhà” thứ hai dành cho những phận người khốn khổ tận cùng của xã hội.
    Đến năm 2013, trại được di dời đi nơi khác nhưng vẫn còn gần chục cụ quyết tâm ở lại nơi đây. Những căn phòng bị bỏ hoang, xuống cấp sau hàng chục năm, tường nhà bong tróc, đồ vật cũ nát, màng nhện chăng khắp các phòng.
    Trong những căn phòng đổ nát, xuống cấp có 18 phòng, nơi đây có bệnh nhân phong sống lẻ loi tới hơn 50 năm. Bên trong mỗi căn phòng chừng 12m2 là cuộc sống tủi cực của những bệnh nhân đang ngày ngày bị phong (hủi) ăn mòn. Những đôi chân, đôi tay cụt hủn, khuôn mặt biến dạng nhăn nhó trong 4 bức tường.
    Trong số những người tại đây, người may mắn thì đã có gia đình, con cái đoàng hoàng trước khi mang trong mình căn bệnh quái ác này. Tuy vậy nhưng nhiều người vẫn phải sống trong cảnh đơn chiếc, người thân ruột thịt bỏ bê, bạn bè xa lánh, có những người phải chôn vùi tuổi thanh xuân của mình mãi mãi nơi đây.

    Cụ bà Nguyễn Thị Sợi là một trong những người đầu tiên vào sống tại đây khi trại phong Đá Bạc, đến nay đã được gần 50 năm. Cụ tâm sự: "Khi trại chuyển đi, tôi buồn lắm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn. Nhưng chính tôi là người xin ở lại vì ở đây lâu quá rồi, quen với không khí nơi đây và bao kỷ niệm còn trong tôi.

    “Quê tôi  người ta ác cảm với những người bị bệnh phong, không ai dám tới gần sờ vào người. Họ bắt tôi phải sống xa khu dân cư đi đâu cũng bị hà khắc, đối xử lạnh nhạt. Lúc nào tôi cũng nhớ về quê hương, muốn được nhìn mặt con, cháu lần cuối nhưng từ khi sống trong trại phong này, tôi chưa một lần được hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy”. Cụ Sợi ngẹn ngào nói.

    Cùng cảnh ngộ cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: "Tự dưng một hôm tôi thấy có cảm giác cứ như có kiến bò ở trên gò má mà bắt mãi không được. Rồi sau đấy nhúng tay vào nước mà không thấy ướt, hơ tay vào lửa mà không thấy nóng. Lúc ấy mới biết mình bị (hủi). Tôi ở đây từ năm 24 tuổi, đến nay là 70 tuổi, gần nữa thế kỷ gắn bó với nơi này, đây như là nhà và cũng già cả rồi, chẳng muốn chuyển đi đâu nữa bệnh này bị người ta kỳ thị lắm, tôi cũng không muốn về quê, sống ở đây, chết cũng chôn ở đây”.
    Hầu hết bệnh nhân ở trại phong Đá Bạc đều có hoàn cảnh trớ trêu, số phận éo le. Họ luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, bị xã hội kỳ thị, bạn bè hàng xóm xa lánh, gia đình con cháu bỏ mặc. Họ luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của họ và ở đây cho đến lúc chết.


    Công Minh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-nhung-manh-doi-kho-dau-o-trai-phong-bo-hoang-a202015.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan