+Aa-
    Zalo

    Hà Nội dự kiến hạn chế xe xăng: Cần thiết nhưng nên có lộ trình cụ thể

    (ĐS&PL) - Khẳng định rằng việc Hà Nội hạn chế ôtô, xe máy xăng là cần thiết, song làm cách nào để đảm bảo sinh kế của người dân là vấn đề được nhiều người quan tâm.

    UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024.

    Theo đó, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (trừ ôtô điện, xe máy điện), khi di chuyển vào vùng phát thải thấp phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ những phương tiện ưu tiên.

    Dự kiến, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm từ đầu năm 2025. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).

    Dự kiến, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm từ đầu năm 2025

    Dự kiến, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm từ đầu năm 2025

    5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm của Hà Nội gồm: Khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mật độ dân cư cao; khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông; khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học; khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện; khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

    Việc Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại 5 khu vực từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 đang nhận được nhiều ý kiến của người dân và chuyên gia.

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng, để giảm ùn tắc, hiện có nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tư đồng bộ cho hạ tầng (hoàn thiện các trục hướng tâm, đường vành đai); giảm, giãn mật độ dân cư trong nội đô… phương án hạn chế ô tô, nhất là xe máy xăng không quá khả thi vào thời điểm hiện tại. Bởi khoảng 80% người dân tại Hà Nội và TP.HCM hiện đang sử dụng xe máy, đây là phương tiện chủ yếu để kiếm sống và di chuyển hàng ngày.

    Do đó, TS Nguyễn Xuân thủy nhận định, nếu cấm xe máy, người dân sẽ buộc phải sử dụng ô tô, dẫn đến gia tăng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

    Đồng thời hiện nay, giao thông công cộng chưa phát triển đủ mạnh để thay thế xe máy, vì vậy việc cấm xe máy xăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

    Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ

    Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ

    Thay vì cấm, ông Thủy cho rằng cần phải quản lý giao thông một cách thông minh và hợp lý, như tăng cường cạnh tranh giữa phương tiện công cộng và cá nhân. Khi giao thông công cộng ngày càng hiệu quả, số lượng xe máy sẽ tự giảm dần mà không cần phải cấm.

    Theo quan điểm của chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy không bao giờ cấm được xe máy và phương tiện này sẽ tồn tại với người dân. Thay vì cấm hay hạn chế xe máy ở một số khu vực vào năm 2030, thì nên giảm tỉ lệ sử dụng xe máy từ 80% xuống 40%.

    Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Hoàng (Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, Hà Nội hạn chế ôtô, xe máy xăng để giảm tối đa ô nhiễm môi trường là cần thiết, đúng mong muốn của người dân. Bởi trong những năm trở lại đây, Hà Nội là thành phố thường bị xếp hạng ô nhiễm không khí tốp đầu thế giới. Một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do phát thải từ ôtô, xe máy. Hạn chế được phương tiện đi lại bằng xăng rõ ràng sẽ giảm được khí thải.

    "Việc hạn chế là cần, nhưng phải có lộ trình cụ thể để người dân thay đổi, thích nghi. Tốt nhất, cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người lao động chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện để đảm bảo sinh kế của người dân", ông Hoàng nhấn mạnh.

    Dưới góc là một tài xế xe ôm công nghệ, anh Nguyễn Văn Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sau khi biết được thông tin về việc Hà Nội muốn hạn chế hoạt động của xe máy xăng tại một số khu vực của nội thành khiến anh khá hào hứng. 

    Anh Tuấn cho biết: "Từ sau dịch Covid-19, tôi chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Tôi cho rằng việc cấm ô tô, xe máy xăng ở một số khu vực của Hà Nội là việc làm cần thiết để giảm thiểu tắc đường và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện theo giai đoạn để người dân điều chỉnh theo thời gian cho phù hợp.

    Hiện nay bên Xanh SM đang khá phát triển loại hình xe điện, có lẽ thời gian tới tôi sẽ đăng ký để làm tài xế của hãng này và gửi xe máy về quê cho gia đình tiếp tục sử dụng".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-du-kien-han-che-xe-xang-can-thiet-nhung-nen-co-lo-trinh-cu-the-a479120.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan