+Aa-
    Zalo

    Hà Nội đón "mưa vàng" rửa bụi mịn, chỉ số ô nhiễm không khí giảm mạnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngay sau cơn mưa dông, các chỉ số chất lượng không khí, nồng độ bụi mịn tại Hà Nội đều giảm mạnh, tạm thời chấm dứt quãng thời gian dài ngột ngạt bởi ô nhiễm.

    Ngay sau cơn mưa dông, các chỉ số chất lượng không khí, nồng độ bụi mịn tại Hà Nội đều giảm mạnh, tạm thời chấm dứt quãng thời gian dài ngột ngạt bởi ô nhiễm.

    Tại khu vực Hà Nội, trong sáng 3/10, vùng mây đối lưu phát triển gây ra mưa rào và dông cho các quận Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Hà Đông, sau đó lan sang các quận nội thành khác của Hà Nội.

    Chỉ số AQI tại quận Hoàn Kiếm của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sáng 3/10.

    Nhờ có trận mưa dông diện rộng, chất lượng không khí của Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt.

    Cụ thể, theo thông tin trên Hệ thống quan trắc môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí (AQI) được đo tại quận Hoàn Kiếm vào lúc 8h ngày 3/10 đã hạ xuống mức 121, giảm khá nhiều so với cùng giờ ngày hôm qua (152).

    Còn ở Mỹ Đình, chỉ số AQI từ khoảng 00h đến 8h hôm nay lần lượt là 131 xuống còn 104.

    Đáng chú ý, nếu như nồng độ bụi mịn PM2.5 của Hà Nội vào lúc 11h ngày 2/10 vẫn ở mức cao 90,3 Mg/m3 (vượt 9 lần theo quy chuẩn), thì tới 6h 3/10 đã xuống ngưỡng 37,44 Mg/m3 (vượt 3 lần so với quy chuẩn).

    Chỉ số AQI tại Mỹ Đình là 104.

    Song, dù chỉ số AQI đã giảm thì chất lượng không khí vẫn ở mức màu da cam (101-200, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài) nên người dân cần chú ý bảo vệ sức khỏe, nhất là người già và trẻ nhỏ.

    Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 2/10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.

    Nhận định sơ bộ nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

    Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

    Ngoài ra, qua theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013-2019 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21-30/9), toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.

    Hiện nay, TP. Hà Nội có 11 trạm quan trắc không khí theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quan trắc về tất cả các tiêu chuẩn của không khí. Các chỉ số NO2, SO2 đều đạt tiêu chuẩn, riêng bụi mịn thì vượt ngưỡng. TP. Hà Nội xác định việc công bố chất lượng không khí là việc thường xuyên, hằng ngày, cứ 5 phút/lần các trạm đo sẽ chuyển thông số về để tổng hợp.

    Nguyễn Phượng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-don-mua-vang-rua-bui-min-chi-so-o-nhiem-khong-khi-giam-manh-a295441.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan