Trước diễn biến ô nhiễm không khí, Bộ Tài nguyên - Môi trường khuyến cáo người dân, nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài. Trường hợp có nhu cầu ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt. Ảnh: Zing.vn |
Zing.vn đưa tin, tại buổi giao ban báo chí chiều 1/10, Chánh văn phòng UBND Hà Nội Vũ Đăng Định cho biết từ 13/9, chất lượng không khí tại nhiều thời điểm trên địa bàn TP duy trì ở mức kém.
Trước việc báo đài và người dân sử dụng số liệu từ các ứng dụng đo ô nhiễm không khí trên mạng, ông Định đề nghị các cơ quan báo chí tham khảo chỉ số chất lượng không khí trên website chính thức của TP, Sở Tài nguyên Môi trường. "Đây là các chỉ số chính thức cung cấp bởi TP Hà Nội. Ngoài ra các trang, các app khác, chúng ta chỉ dùng để tham khảo, đối chiếu", ông Định nói.
Đại diện UBND Hà Nội cũng cho biết thêm hiện thành phố có 10 trạm quan trắc cung cấp số liệu chính thức, trong đó có 2 trạm ở đại sứ quán Mỹ và đại sứ quán Pháp.
Về nguồn gây ô nhiễm chính, Chánh văn phòng UBND Hà Nội cho biết TP xác định có 12 nguyên nhân chính như khí xả từ phương tiện giao thông, đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ nông nghiệp, bụi từ quá trình xây và phá dỡ các công trình, mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước...
Theo Vietnamnet, để cải thiện môi trường không khí, Thủ đô đã đưa ra 19 giải pháp. Trong đó, có tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải ô nhiễm môi trường.
Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang hoàn toàn bằng xe quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao hồ; xây dựng kế hoạch vận động đến 31/12/2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong; triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, xử lý xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình; triển khai “cánh đồng không đốt rơm rạ”; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân…
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) thông tin thêm, số lượng than tổ ong mỗi ngày trên địa bàn TP sử dụng là 528 tấn, phát thải tương đương với 1.870 tấn khí CO2.
Khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài
Báo Tuổi trẻ cho biết, trước diễn biến ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố kéo dài liên tục trong những ngày qua, thậm chí nhiều ngày chất lượng không khí đã suy giảm xuống ngưỡng xấu, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, Tổng cục Môi trường nhận định tình trạng ô nhiễm còn tiếp diễn trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Văn Tài - tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường)cho rằng khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn. Vì vậy, nồng độ bụi mịn PM2.5 có thể vẫn ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là buổi đêm và sáng sớm.
Ông Tài khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt.
Mộc Miên (T/h)