Thông tin từ báo Dân Trí, ngày 17/11, UBND TP Hà Nội vừa công bố đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư, trong đó có đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và các tuyến tàu điện một ray trên địa bàn.
Trong đó, Hà Nội định hướng quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) với 11 tuyến.
Đặc biệt, thành phố cũng ưu tiên xem xét bổ sung ba tuyến mới, gồm tuyến đi theo đường Lê Văn Lương để thay thế tuyến BRT trong tương lai, tuyến tại đô thị Bắc sông Hồng theo hướng song song tuyến số 4 và kết nối với khu vực Long Biên, Gia Lâm, tuyến dọc theo trục phía nam (kết nối đô thị trung tâm và các địa phương dọc trục phát triển phía nam với sân bay thứ hai khu vực phía nam).
Ngoài ra, thành phố tiếp tục nghiên cứu xem xét để bổ sung thêm ba tuyến mới khác bao gồm: Tuyến dọc theo quốc lộ 18 kết nối sân bay Nội Bài với Bắc Ninh, tuyến dọc theo Vành đai 1, tuyến dọc theo đường vành đai 2.
Liên quan đến vấn đề này, VnExpress cho biết, hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại từ tháng 1/2022, tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác đoạn trên cao dịp 30/4-1/5/2024 và chạy toàn tuyến vào năm 2027.
Các tuyến đang triển khai như tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang đề xuất điều chỉnh ga tổng mặt bằng ga C9, cạnh Hồ Gươm; tuyến số 3 ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc được thành phố thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.
Thành phố cũng đã giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chuẩn bị các tuyến còn lại gồm: Nam Thăng Long - Nội Bài; Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; Cổ Nhuế - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá.
Theo kế hoạch, sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ xem xét cho ý kiến vào tháng 12 và trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2024.
Nguyễn Linh (T/h)