Để có thể cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ truyền thống góp phần đảm bảo văn minh thương mại, rất cần có quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế hỗ trợ hiệu quả để có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Sẽ cải tạo 19 chợ và 4 chợ mới được hoạt động
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 455 chợ gồm các chợ từ hạng 1 đến hạng 3. Các chợ truyền thống đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và 70% nhu cầu của người dân khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, hiện hệ thống chợ dân sinh tại một số quận, huyện còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến việc các tụ điểm chợ cóc phát triển.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ. Nhờ đó, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động 4 chợ gồm: Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), chợ Trung tâm thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), chợ Châu Long (quận Ba Đình). Về cải tạo, nâng cấp chợ, đến hết tháng 10-2024, các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành cải tạo 19/38 chợ.
Đối với các điểm kinh doanh tự phát trái phép, đến nay, các quận, huyện, thị xã cùng các lực lượng chức năng đã giải tỏa 176/213 tụ điểm kinh doanh tự phát trái phép. Hiện, còn tồn tại 37 tụ điểm kinh doanh tự phát trái phép trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, cần phải giải tỏa trong thời gian tới.
Dự kiến đến hết năm 2024, thành phố sẽ hoàn thành xây mới thêm 4 chợ (đạt 8/21 chợ); hoàn thành cải tạo thêm 7 chợ. Đến hết năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành xây thêm 2 chợ mới trên địa bàn các quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm; đồng thời, hoàn thành cải tạo thêm 10 chợ.
“Thực tế cho thấy, việc cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn đã mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động. Hoạt động kinh doanh của các chợ đã góp phần tăng mức lưu chuyển hàng hoá, tăng thu cho ngân sách địa bàn, thuận tiện cho việc mua bán, đáp ứng nhu cầu của dân cư nhất là các vùng ngoại thành”, bà Nguyễn Kiều Oanh khẳng định.
Gỡ khó cho đầu tư, xây dựng chợ
Theo Kế hoạch số 110/KH-UBND được UBND thành phố ban hành ngày 8/4/2024 thực hiện chỉ tiêu về đầu tư, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025 trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, với tổng số 38 chợ, trong đó có 17 dự án chợ xây mới và 21 chợ cải tạo, sửa chữa.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa được quan tâm một cách đầy đủ nên việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa theo kế hoạch thành phố ban hành giai đoạn 2021-2025 và hằng năm chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Một số quận, huyện chưa quan tâm đầu tư cải tạo nên chưa đáp ứng được hạ tầng thương mại theo tiêu chí quy định, khó khăn cho việc công nhận tiêu chí hạ tầng thương mại.
Một số các chợ trên địa bàn (nhất là khu vực chợ ngoại thành họp theo phiên, quy mô nhỏ, manh mún) có doanh thu từ chợ rất thấp chỉ đủ bù đắp chi phí vệ sinh môi trường của chợ và một phần chi phí quản lý, không đủ bù đắp các khoản khấu hao và phục vụ sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, nên rất khó thu hút doanh nghiệp đầu tư cải tạo theo hướng xã hội hóa nguồn vốn. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là tiền thuê đất còn hạn chế, chưa khuyến khích để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư theo kêu gọi của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Phùng Ngọc Sơn cho biết, mặc dù, Nhà nước đã đồng ý sử dụng một phần vốn ngân sách đầu tư xây dựng chợ, nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như về giá đất, tiền thuê đất. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không dễ dàng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất…
“Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành liên quan nên có mẫu quy hoạch, thiết kế cơ bản của chợ như diện tích sạp hàng, bãi giữ xe, đường giao thông… để doanh nghiệp có căn cứ pháp lý trong quá trình xây dựng chợ” - ông Phùng Ngọc Sơn kiến nghị.
Nhằm gỡ khó cho hoạt động cải tạo, xây mới hệ thống chợ, Phó Giám đốc phụ trách Nguyễn Kiều Oanh kiến nghị, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ...
Về phía thành phố Hà Nội, đề nghị quan tâm xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trong lĩnh vực chợ để đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo chợ theo danh mục và tiêu chí tại các Chương trình của Thành ủy đã đề ra.
Để đạt chỉ tiêu được giao, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu được giao. Trong đó, đặc biệt đối với các dự án trung tâm thương mại, chợ, siêu thị… các quận, huyện, thị xã cần báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, tiến độ hoàn thành đầu tư chợ, cân đối bố trí vốn đầu tư… để Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo UBND thành phố phối hợp giải quyết nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình.
Trước những kiến nghị của cơ quan quản lý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các quận, huyện phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội rà soát, phân tích các nội dung về quản lý chợ, phân hạng, giá dịch vụ, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy… chưa đạt, xây dựng kế hoạch khắc phục 100% các tồn tại. Đồng thời, sớm cập nhật, bám sát Luật Thủ đô để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các quận, huyện khó khăn phát triển các chợ; đẩy mạnh hoạt động nâng cấp cải tạo chợ theo hướng trở thành chợ đầu mối phân phối hàng hóa.