+Aa-
    Zalo

    Nhiều băn khoăn việc Hà Nội thí điểm tuyến vận tải mới tới Sa Pa

    (ĐS&PL) - Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại vỡ luồng tuyến vận tải trước thông tin Hà Nội đồng ý thí điểm tuyến vận tải mới từ TP.Hà Nội đi tỉnh Lào Cai.

    UBND TP.Hà Nội vừa thống nhất chủ trương phát triển mới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ TP.Hà Nội (các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm) đi tỉnh Lào Cai (các bến xe: Sa Pa, Lào Cai) theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội.

    Theo đó, đề xuất này được đưa ra sau khi Chi nhánh Hà Nội Công ty CP vận tải Futa - Hà Sơn đề nghị được chạy thí điểm tuyến vận tải mới từ bến xe Giáp Bát đến bến xe TP.Lào Cai, bến xe Sa Pa và từ bến xe Nước Ngầm đến bến xe Sa Pa trên cơ sở đăng ký khai thác tuyến cố định. Các tuyến này sẽ không khai thác vào khung giờ cao điểm (tức từ 6h - 9h sáng và từ 16h - 19h30 chiều).

    Hành trình di chuyển chủ yếu trên đường cao tốc theo hướng từ tỉnh Lào Cai đi QL4D, tới nút giao IC 19 vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai trước khi tới QL2 đến đường Võ Văn Kiệt, ra QL5 kéo dài đến cầu Đông Trù.

    Từ đây, xe tiếp tục theo QL5 kéo dài tới đường Nguyễn Văn Linh , QL1A tới cầu Thanh Trì rồi đi Ngọc Hồi, Giải Phóng đến các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm (TP.Hà Nội).

    Hà Nội thí điểm tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ TP.Hà Nội (các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm) đi tỉnh Lào Cai (các bến xe: Sa Pa, Lào Cai). Ảnh minh hoạ

    Hà Nội thí điểm tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ TP.Hà Nội (các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm) đi tỉnh Lào Cai (các bến xe: Sa Pa, Lào Cai). Ảnh minh hoạ

    Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch luồng tuyến xe khách (Quyết định 2288/QĐ-BGTVT) đã thực hiện từ năm 2015, tại khu vực Hà Nội xe khách đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam hoặc phía Tây chỉ được đến các bến xe khu vực đó để bắt xe. Với hành khách tại Hà Nội và các tỉnh ở xa về các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, trong đó có nhiều khách đi du lịch Lào Cai hoặc Sa Pa… chỉ có thể đi về bến xe Mỹ Đình (phía Tây thành phố) để bắt xe. Đây cũng là nguyên nhân khiến chạy hợp đồng trá hình hoạt động, cạnh tranh không bình đẳng cho các đơn vị khai thác tuyến cố định.

    Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc phát triển mới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ TP.Hà Nội (các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm) đi tỉnh Lào Cai (các bến xe: Sa Pa, Lào Cai) sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần hạn chế hiện tượng "xe dù bến cóc" và "xe trá hình".

    Việc đề xuất của Sở GTVT cho phép thí điểm mở tuyến vận tải bến xe Giáp Bát đến bến xe TP.Lào Cai, bến xe Sa Pa và từ bến xe Nước Ngầm đến bến xe Sa Pa trên cơ sở đăng ký khai thác tuyến cố định đang nhận ra nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho biết, việc phân luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo nguyên tắc xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đó nhằm hạn chế xe khách đi xuyên thành phố qua đường Vành đai 3 và ngược lại vào nội đô, tránh xung đột, ùn tắc, mất an toàn giao thông.

    Nghị định 41/2024 quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ đang có hiệu lực cũng nêu rõ: Đối với các tỉnh, thành phố có bến xe đảm bảo tổ chức vận tải theo hướng tuyến cần tuân thủ nguyên tắc tuyến vận tải đi theo hướng nào thì điểm đầu, điểm cuối là bến xe hướng đó.

    Trong bối cảnh ùn tắc nội đô vẫn còn phức tạp, việc giữ quy định luồng tuyến vận tải là cần thiết, nếu thay đổi sẽ dẫn đến một loạt các thay đổi khác về thói quen của hành khách, của lái xe. Vì vậy, Hà Nội chấp thuận thí điểm tuyến vận tải mới có thể là tiền đề không tốt và có thể gây xáo trộn tổ chức hoạt động vận tải thời gian tới.

    TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông

    TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông

    Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, sau 8 năm thực hiện sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải, về cơ bản các tuyến liên tỉnh đi/đến Hà Nội đang hoạt động tương đối ổn định. Trong bối cảnh ùn tắc nội đô vẫn còn phức tạp, việc giữ quy định luồng tuyến vận tải là cần thiết, nếu thay đổi sẽ dẫn đến một loạt các thay đổi khác về thói quen của hành khách, của lái xe.

    Tuy nhiên, ông Thủy cũng cho rằng, việc Hà Nội chấp thuận thí điểm tuyến vận tải mới là phù hợp bởi lộ trình đề xuất không xuyên tâm thành phố, giảm bớt mật độ đi lại của phương tiện.

    "Việc cho doanh nghiệp vận tải thí điểm tuyến mới có lộ trình không đi xuyên tâm thành phố là một cách tổ chức khoa học, không làm gia tăng ùn tắc trong nội đô. Việc này còn giúp các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định tiếp cận tốt hơn với hành khách có nhu cầu đi Lào Cai, Sa Pa ở khu vực phía Nam thành phố, qua đó hạn chế xe dù, bến cóc", ông Thuỷ cho hay.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-ban-khoan-viec-ha-noi-thi-iem-tuyen-van-tai-moi-toi-sa-pa-a487748.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan