Sốt xuất huyết vẫn đang ở đỉnh dịch, người dân Hà Nội không được chủ quan khi thấy nhiệt độ giảm. Nhiều người dân cho rằng trời lạnh muỗi sẽ không hoạt động, bỏ qua việc diệt bọ gậy, diệt muỗi, khiến muỗi có điều kiện sinh sôi và truyền bệnh sốt xuất huyết.
Hà Nội vẫn đang trong đỉnh dịch sốt xuất huyết - Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Liên quan tới phòng chống dịch sốt xuất huyết trong khu dân cư, sẽ xử phạt hành chính gia đình nào không hợp tác phòng dịch sốt xuất huyết. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố đã chỉ đạo như vậy sau khi trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai).
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã thực hiện 490 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, tổ chức 39 chiến dịch phun hoá chất diện rộng tại 10 quận, huyện trọng điểm về SXH nhưng mới chỉ có hơn 61.000 hộ gia đình đã được phun xử lý (đạt tỷ lệ 64,6%), vẫn còn hơn 35% số hộ từ chối phun hoá chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc đi vắng. Riêng phường Hoàng Văn Thụ là một trong những phường trọng điểm về dịch SXH, dù đã thực hiện 4 lần tổng vệ sinh môi trường phòng SXH nhưng số người mắc vẫn gia tăng vì người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch tại cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu phường Hoàng Văn Thụ và toàn quận Hoàng Mai cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể cùng vào cuộc quyết liệt cùng với ngành y tế Thủ đô dập dịch trong thời gian sớm nhất. Nếu gia đình nào không hợp tác trong công tác phòng dịch SXH cần xử phạt hành chính nhằm hạn chế ca mắc mới, ngăn chặn và khống chế dịch.Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm để phòng chống dịch SXH nói riêng và các dịch bệnh nói chung, gồm: thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tăng cường tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường; chủ động trong công tác dự báo để ứng phó có hiệu quả; thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh dịch…
Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế chỉ đạo Sở Y tế TP phải “mạnh tay” hơn trong việc phòng chống sốt xuất huyết như thành lập các đội diệt lăng quăng tại phường, xã; truyền thông nguy cơ đến từng hộ gia đình trong vùng có ổ dịch. Sở cần xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm trong công tác phòng dịch, Tri thức trực tuyến đưa tin.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, cần phải thay đổi cách làm. Thay cho các hoạt động hô hào quần chúng, thì việc cần làm ngay, đó là tuyên truyền phải đi đôi với cam kết, vận động đi đôi với xử lý và xử phạt.
Vì nghĩ trời lạnh không có muỗi nên mấy ngày nay chị Nguyễn Mai T. (Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ qua việc mắc màn đi ngủ, đến khi phát hiện trên mặt và tay con có vết muỗi đốt, chị mới tá hỏa đi kiểm tra thì thấy trong nhà vẫn có muỗi trú ngụ, lọ hoa không thay nước ở góc nhà xuất hiện bọ gậy.
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên nhiệt độ giảm. Nhiều người dân cho rằng trời lạnh muỗi sẽ không hoạt động, chủ quan bỏ qua việc diệt bọ gậy, diệt muỗi, khiến muỗi có điều kiện sinh sôi và truyền bệnh sốt xuất huyết.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tháng 10 là đỉnh dịch sốt xuất huyết. Gần đây, nhiệt độ có giảm nhưng vẫn trong mức nhiệt sinh sôi, phát triển của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết; người dân không được lơ là, chủ quan phòng dịch.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 16- 22/10 toàn thành phố đã ghi nhận 862 người mắc sốt xuất huyết, giảm 159 người so với tuần trước đó và giảm hơn 2.700 người (giảm 75,8%) so với tuần cao điểm trong tháng 8. Hầu hết tại các quận, huyện số người mắc đã giảm nhưng vẫn có 3 quận huyện có số mắc tăng là: Ba Đình, Sơn Tây, Phú Xuyên; toàn thành phố còn 240 ổ dịch đang hoạt động.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuy dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang có chiều hướng giảm nhưng số người mắc vẫn còn ghi nhận ở mức cao, vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế số ca mắc mới và tử vong.
Đặc biệt các vùng bị ngập lụt như huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức tích cực triển khai vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, với tinh thần nước rút đến đâu vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh đến đó. Các địa phương này cũng cần tập trung lực lượng, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các vùng bị ngập.
Cục Y tế rất chú ý địa bàn Hà Nội vì đang là điểm nóng của dịch SXH. Lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch SXH nên đã chỉ đạo Công an các cấp tăng cường truyền thông cho CBCS Công an để phối hợp với lực lượng y tế phòng chống dịch bệnh. Bộ Công an đã đầu tư để mua hóa chất phun diệt muỗi ở các đơn vị, Công an địa phương.
Đại diện Bộ Quốc phòng cũng cho hay, hầu như các đơn vị bộ đội có tỉ lệ mắc rất thấp, 80% sĩ quan và cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên mắc là do sinh hoạt tại gia đình. Ở các địa phương đã huy động lực lượng quân đội tham gia phun hóa chất và diệt bọ gậy cho nhân dân.
Hằng Thanh(T/h)