Grab đang lên kế hoạch cho đợt sa thải lớn nhất kể từ sau đại dịch. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực gọi xe và giao đồ ăn trên khắp Đông Nam Á đã khiến công ty này không thể tiếp tục duy trì như trước, báo Dân trí đưa tin.
Điều này đồng nghĩa đợt sa thải sắp tới của Grab có thể có quy mô lớn hơn cả đợt cắt giảm năm 2020, thời điểm công ty này sa thải khoảng 5% lực lượng lao động, tương đương 360 nhân viên, để hướng tới mục tiêu có lãi.
Trên thực tế, trong 3 năm qua, Grab đã không thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm nhân sự lớn nào mặc cho các đối thủ trong khu vực như GoTo (công ty mẹ Gojek) và Sea Limited (công ty mẹ Shopee) sa thải hàng nghìn nhân viên vào năm ngoái.
Ngược lại, sau khi thâu tóm chuỗi cửa hàng tạp hóa Jaya Grocer (Malaysia) vào đầu năm 2022, "gã khổng lồ" trong lĩnh vực gọi xe này còn bổ sung hơn 3.000 nhân sự), nâng tổng số nhân sự lên 11.000 người.
CEO Anthony Tan cho biết công ty gọi xe và giao đồ ăn này vẫn đang “đi đúng hướng” với mục tiêu hoà vốn EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định hữu hình và vô hình), tuy nhiên vẫn còn cách xa mục tiêu có lợi nhuận.
CEO của Grab cũng nhấn mạnh, mục tiêu chính của quyết định này là tổ chức lại công ty một cách chiến lược, để có thể đi nhanh hơn, làm việc thông minh hơn, và tái cân bằng các nguồn lực trong danh mục đầu tư để phù hợp với những chiến lược lâu dài. Ông cũng cho biết thêm, Grab đang trên đà hòa vốn trong năm nay dù không cần sa thải nhân viên.
Về tình hình kinh doanh trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu của Grab đã tăng 130% so với cùng kỳ năm trước lên mức 525 triệu USD. Trong đó, phần lớn doanh thu được đóng góp bởi hoạt động giao hàng. Nhờ đó lỗ ròng của Grab đã giảm xuống còn 244 triệu USD, từ mức 423 triệu USD của cùng kỳ năm trước.
Thành lập năm 2012, Grab khởi đầu là dịch vụ gọi xe, trước khi mở rộng sang lĩnh vực giao đồ ăn và dịch vụ tài chính, phát triển thành tập đoàn khổng lồ ở tám thị trường khu vực, một phần nhờ vào các ưu đãi lớn cho người dùng và tài xế đăng ký.
Grab lên sàn chứng khoán vào tháng 12/2021. Sau đó, cổ phiếu của doanh nghiệp này bị bán tháo trên diện rộng khi nhà đầu tư quay lưng với những thương hiệu tăng trưởng cao nhưng thua lỗ do lãi suất tăng và suy thoái kinh tế.
Đến nay cổ phiếu của Grab đã giảm khoảng 70% ngay cả khi hãng cam kết báo lãi. Ngoài ra, Grab cũng đang phải đối mặt với khả năng tăng trưởng chậm khi khách hàng chật vật với lạm phát cao và lãi suất tăng.
Vân Anh(T/h)