+Aa-
    Zalo

    Góc nhìn Luật sư về việc bé trai Campuchia bị hành hạ dã man

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện 2 clip cùng độ dài gần 3 phút, ghi cảnh một thanh niên nói tiếng Việt liên tục hành hạ bé trai không mặc quần áo.

    (ĐSPL) - Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện 2 clip cùng độ dài gần 3 phút, ghi cảnh một thanh niên nói tiếng Việt liên tục hành hạ bé trai không mặc quần áo. Hành động này khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ và cơ quan Công an đã vào cuộc tiến hành điều tra.

    Tối 7/12, lãnh đạo của Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an xác nhận thông tin đã bắt được nghi can Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi), quê An Giang có hành vi hành hạ trẻ em. Trước đó, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ đồng bọn của Dũng là một người đàn ông Hà Lan và 2 thanh niên Campuchia tham gia vụ hành hung.

    Luât sư Hà Huy Phong, luật sư cao cấp thuộc Văn phòng Luật sư Inteco (Đoàn Luật sư Hà Nội) 

    Trước hành vi dã man của đối tượng Dũng và đặc biệt là địa điểm thực hiện nằm ngoài lãnh thổ nước Việt Nam, chính vì thế mối quan tâm của độc giả là hắn sẽ bị xử lý như thế nào? Luât sư Hà Huy Phong, luật sư cao cấp thuộc Văn phòng Luật sư Inteco (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

    Luật sư Phong cho hay, theo quy định tại Điều 6, Bộ Luật Hình sự năm 2009, “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này”.

    Tuy nhiên, để xem xét trách nhiệm hình sự và việc xét xử trong trường hợp đặc biệt này, trước hết, cần phải xác định việc hành hạ trẻ em do Nguyễn Thanh Dũng thực hiện tại Campuchia có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Hiện tại, Bộ Luật hình sự của Việt nam không có quy định riêng về tội hành hạ trẻ em mà chỉ có quy định về tội Hành hạ người khác tại Điều 110, trong đó hành hạ trẻ em là tính tiết định khung (chứ không phải định tội). Cụ thể, điều này quy định như sau:

    Điều 110. Tội hành hạ người khác

    1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

    a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

    b) Đối với nhiều người.

    Tuy nhiên, Luật sư Phong cũng cho rằng vấn đề này cần lưu ý ở một số điểm:

    "Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội, nếu bị hành hạ nhưng không có mối quan hệ lệ thuộc với người có hành vi hành hạ thì người có hành vi hành hạ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, mà tuỳ vào hành vi cụ thể mà người có hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định Điều 121 Bộ luật hình sự (Theo Tiến sỹ Đinh Văn Quế).

    Do đó, có thể nói, nếu em bé bị Dũng hành hạ ở Campuchia không phải là người có quan hệ lệ thuộc với Dũng thì không thể truy tố Dũng về tội Hành hạ người khác (nếu truy tố theo pháp luật Việt nam), mà có thể xem xét truy tố về tội Cố ý làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ Luật hình sự, hoặc tội Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 của Bộ Luật hình sự. Việc xác định truy tố theo tội nào phải phụ thuộc vào kết quả điều tra và các thông tin liên quan. Hiện tại tôi chưa rõ thông tin nên không thể bình luận thêm về việc này.

    Như vậy, nếu kết quả điều tra cho thấy việc Dũng hành hạ trẻ em có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phụ thuộc vào một yếu tố khác, đó là thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt nam và cơ quan có thẩm quyền của Campuchia.

    Theo nguyên tắc “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” quy định tại Điều 31 Hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì nếu Dũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử tại Campuchia thì Việt nam sẽ không tiếp tục xử lý Dũng về tội phạm đã thực hiện. Do đó, ở đây cần xem xét đến quy định của pháp luật Campuchia và Hiệp định về dẫn độ giữa Việt nam và Campuchia.

    Theo quy định tại Điều 1, Hiệp định về dẫn độ giữa Việt nam và Campuchia thì “Theo quy định của Hiệp định này, mỗi Bên đồng ý dẫn độ cho Bên kia bất kỳ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của mình mà Bên đó yêu cầu để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án vì một tội có thể bị dẫn độ”. Các tội có thể bị dẫn độ theo quy định của Hiệp định này là các tội có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ hai (02) năm trở lên hoặc nghiêm khắc hơn theo quy định pháp luật của cả hai Bên.

    "Như vậy, tôi cho rằng, cơ quan chức trách hai bên phải điều tra và xem xét một số yếu tố như: (i) Dũng có phạm tội theo pháp luật Việt nam và pháp luật Campuchia hay không, và (ii) hành vi phạm tội đó có thể dẫn đến việc bị xử lý hình sự với mức xử phạt tù có thời gian từ 02 năm trở lên hay không. Nếu hai yếu tố này thỏa mãn và phía Campuchia có yêu cầu dẫn độ thì Việt nam có nghĩa vụ dẫn độ Dũng sang Campuchia để xét xử theo quy định của pháp luật nước sở tại. Trong trường hợp Campuchia không yêu cầu dẫn độ mà thông báo cho cơ quan chức trách Việt nam xử lý thì cơ quan hữu trách ở Việt nam có thể thực hiện việc truy tố và xét xử theo pháp luật Việt nam”, Luật sư Phong cho biết thêm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goc-nhin-luat-su-ve-viec-be-trai-campuchia-bi-hanh-ha-da-man-a173395.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan