Nhiều cô gái làm nghề mẫu livestream cho rằng, họ đang bị đánh đồng và nhận những lời khiếm nhã từ dư luận vì chỉ có một số cá nhân “cởi”, “khoe hàng” khi livestream để câu khách.
“Con sâu làm rầu nồi canh”
“Việc một số cô gái đang cố “cởi” để bán hàng trên facebook khiến mọi người đánh đồng những người đang làm nghề mẫu livestream với họ. Chẳng qua chỉ là “một con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi”, Đỗ Thu Hương, người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này chia sẻ với PV báo ĐS&PL.
Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện những clip livestream bán hàng của những cô nàng khá xinh đẹp, ăn nói có duyên để hút khách, bán được nhiều hàng. Thậm chí nhiều cô còn chấp nhận “cởi”, hở bạo. Dù nhận được những lời chỉ trích, “gạch đá” từ dư luận nhưng họ vẫn bất chấp. Chính vì thế, những người làm nghề mẫu livestream đang bị gắn mác “cởi” mới kiếm được tiền.
Thu Hương livestream bán hàng, không về "cởi" vẫn hút khách |
Nhiều cô gái làm nghề mẫu livestream đã lên tiếng khi bị gắn mác với những người cố “khoe hàng” câu khách. Cô nàng xinh đẹp Đỗ Thu Hương (nickname Hermy Meo), người đang “dấn” mình vào nghề mẫu livestream này cho biết: “Đây là công việc yêu thích của tôi, tôi cảm thấy bản thân mình hợp với nghề này. Trước đây, tôi luôn muốn thể hiện mình, muốn nói chuyện với người khác nhưng lại sợ đám đông. Vì thế khi chọn công việc này, ngồi với chiếc điện thoại hay máy tính, tôi thoải mái thể hiện tính cách của mình một cách tự nhiên nhất và làm đúng với những gì mà người thuê yêu cầu, tuy nhiên không đi quá giới hạn cho phép”.
Theo Thu Hương, làm nghề mẫu livestream chẳng khác gì làm dâu trăm họ. Ai làm điều này cũng phải hiểu rằng, khi livestream, sẽ có người thích nghe mình nói, nhưng cũng có một số “ném đá” và cho rằng mình đã làm phiền họ. Thậm chí, những người làm nghề mẫu livestream phải nghe cả những lời chê trách, chửi mắng của khách hàng khi họ không vừa lòng.
“Mỗi lần gặp tình huống như vậy, tôi cũng buồn, tủi thân. Nhưng tôi còn buồn hơn khi chỉ vì một vài cô gái thích cởi, hở để câu khách mà dư luận đánh đồng với hàng loạt những người đang làm nghề mẫu livestream khác. Mỗi khi những clip hở của một vài cô gái livestream xuất hiện là dư luận lại có cái nhìn ác ý về nghề này hoặc đánh giá phẩm chất của người mẫu livestream, nói những lời tục tĩu...”, Thu Hương tâm sự.
Bị hiểu lầm, thậm chí gạ... tình
Cùng tâm trạng với Thu Hương, Hồng Hạnh đã làm nghề mẫu livestream được hơn 2 năm chia sẻ: “Có những ngày livestream, tôi bán được hàng trăm sản phẩm. Nhưng có được lượng khách lớn như vậy thì tôi cũng phải nói khá nhiều và “diễn” đủ trò. Tuy nhiên, chúng tôi luôn phải ăn mặc lịch sự để không bị mang tiếng “khoe hàng” câu khách, nếu làm như vậy thì sẽ không được bền lâu”. Dù có ăn mặc kín đáo và không được có lời lẽ đong đưa khi livestream, thế nhưng Hồng Hạnh vẫn gặp không ít phiền toái. Vì bán hàng phải cho số điện thoại, nên Hồng Hạnh liên tục nhận được tin nhắn “khủng bố”, rủ đi chơi. Có người còn tán tỉnh, gạ tình vì cho rằng làm nghề mẫu livestream là rất dễ dãi?!
“Một lần, tôi cùng vài người bạn đi chơi, khi ra đường, có những người nhận ra tôi liền nhìn với ánh mắt nhòm ngó, dò xét. Tôi rất khó chịu và suy nghĩ nhiều về việc này. Tôi nghĩ, xuất hiện những hiện tượng người livestream khoe hàng để câu kéo người xem chỉ là thiểu số, mang tính cá nhân chứ không đại diện cho số đông người làm nghề. Vì thế, mong mọi người hãy có cái nhìn thật công tâm để những người làm nghề như chúng tôi không tủi thân, bị ám ảnh khi ra đường”, Hồng Hạnh bày tỏ.
Bên cạnh các cá nhân tự livestream bán hàng, trên thị trường xuất hiện khá nhiều người mẫu livestream chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ phải đối mặt không ít cám dỗ. Thanh A., một mẫu livestream có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề ngán ngẩm chia sẻ, trang cá nhân và điện thoại của cô thường xuyên bị làm phiền bởi người lạ. Hầu hết trong số đó là nam giới, sau khi xem livestream trên mạng đã tìm mọi cách để làm quen, thậm chí đưa ra những đề nghị hết sức khiếm nhã...
Nói về nghề mẫu livestream, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, việc livestream bán hàng được nhìn nhận như một nghề nghiệp thực sự với tên gọi streamer (những người phát sóng trực tiếp). So với các phương thức bán hàng online khác thì các livestream hiệu quả hơn rất nhiều.
Trao đổi về câu chuyện của những cô gái làm nghề mẫu livestream bán hàng trên facebook, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng Athena cho rằng, hiện nay công nghệ 4.0 đang phát triển khá mạnh mẽ, chính vì thế, việc bán hàng hay livestream qua facebook khá dễ dàng. Đây cũng là lỗ hổng để không ít kẻ trục lợi. Cũng theo vị chuyên gia này, hiện có hiện tượng livestream khoe hàng để câu kéo người xem nhưng kiểu kinh doanh này dễ bị đào thải và không bền lâu. Tuy nhiên, những người đang làm nghề này cần thận trọng và giữ gìn hình ảnh của mình. Nếu việc livestream quá đà, sẽ trở thành phản cảm. |
Mai Thu
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 108