Trong quá trình trông giữ xe, Tuấn đã tự ý ngồi vào ghế lái, mở khóa điện làm xe di chuyển và gây nên vụ tai nạn kinh hoàng khiến 2 bà cháu tử vong.
Theo báo An ninh thủ đô, ngày 17/3, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xem xét toàn bộ nội dung bản sơ thẩm đối với Nguyễn Quang Tuấn (SN 1973, trú ở phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, theo Điều 202-BLHS.
Nguyễn Quang Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: báo ANTĐ |
Báo Tri thức trực tuyến dẫn cáo trạng của TAND TP Hà Nội, Tuấn có 7 tiền án, tiền sự về các tội Trộm cắp tài sản, Giết người… Từ năm 1991 đến thời điểm xảy ra vụ án, Tuấn ở tù nhiều hơn ở nhà.
Sau khi thụ án 11 năm tù về tội Giết người, Tuấn trở về địa phương, sống cùng cha mẹ già. Để có tiền chi tiêu cá nhân, cuối tháng 2/2016, Tuấn nhận làm bảo vệ trông giữ xe ở một điểm tự phát trên phố Hồng Hà (phường Phúc Tân).
Chiều 3/3/2016, Tuấn mở cửa xe taxi của khách gửi và đưa chìa khóa trước đó, ngồi vào ghế lái ngủ. Ít phút sau, người đàn ông này nổ máy để nghe nhạc, bật điều hòa.
Do không biết điều khiển ôtô, Tuấn lấy tay gạt cần số khiến xe di chuyển. Hoảng loạn, tên này đạp chân ga.
Sau cú đạp đó, chiếc taxi lao ra đường, đâm vào 2 bà cháu đang ngồi bế nhau bên đường khiến họ tử vong.
Với hành vi trên, Tuấn bị cấp sơ thẩm tuyên 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuấn đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội quyết định giữ nguyên mức án 7 năm tù giam đối với Nguyễn Quang Tuấn.
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)