(ĐSPL) - Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, cạnh ao Quan, giếng thiêng ngàn tuổi ở thôn Rích Gạo, xã Phù Chẩn, TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được người dân hương khói và xem như một nơi bất khả xâm phạm. Người làng hoang mang khi một ông “thầy bói” phán, rất có thể đất đã bị người Tàu yểm vào đôi chó đá, bất cứ ai mạo phạm sẽ bị trừng phạt, nặng thì mất mạng, nhẹ thì làm ăn đi xuống, gia đình lục đục.
Lấn chiếm đất thiêng... rước họa vào thân?
Đến đầu thôn Rích Gạo hỏi người dân trong làng về giếng thiêng ai cũng xua tay bảo, chớ có động đến mà hối không kịp. Hỏi ra mới biết, mấy năm về trước những người trong xóm, mỗi người lấn chiếm một ít đất khu vực giếng thiêng đã bị trừng phạt (?). Chẳng biết nguyên nhân vì sao mà trong xóm nhiều người trẻ đang khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra ốm, mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất. Chính điều này khiến nhiều người đồn đoán, đất giếng thiêng bị người Tàu yểm, cấm lấn chiếm, đào bới, ai xâm phạm sẽ gặp họa khôn lường, trừ khi có lời giải.
Cổng dẫn vào khu giếng cổ luôn được đóng cẩn thận tránh việc mạo phạm đến “ngài”? |
Sinh ra, lớn lên gắn bó với làng từ nhỏ, cụ Nguyễn Công Sinh (77 tuổi) cho biết: “Thành giếng cổ được xếp bằng nhiều phiến đá nhỏ từ dưới đáy lên đến miệng giếng sâu đến cả mấy chục mét, nước trong veo, cả làng chỉ dùng làm nước ăn chứ tuyệt đối không được tắm, giặt. Còn giếng có từ bao giờ thì không ai biết, đời ông, đời bố tôi sinh ra đã có giếng rồi. Các cụ bảo, giếng của làng ước chừng đến cả ngàn tuổi. Ngày tôi còn nhỏ, khu vực giếng cổ nằm bên ao Quan, được bao bọc bởi rặng tre làng dày đặc, cao vút, chỉ có một lối vào duy nhất. Lũ trẻ con trong làng như chúng tôi ngày đó ít dám bén mảng tới, một phần vì bố mẹ cấm (do sợ ngã xuống giếng, xuống ao), phần vì khu vực này vắng người qua lại mà người làng còn đồn, ban đêm thi thoảng có xuất hiện những hiện tượng lạ”.
Nhắc đến giếng thiêng của làng, ông lão bán nước đầu làng kể một câu chuyện xảy ra cũng đã gần chục năm về trước, nhiều nhà sống gần khu vực giếng thiêng bị bạo bệnh chết trẻ. Không ai dám khẳng định, họ chết vì lấn chiếm đất giếng thiêng, nhưng cả xóm không ai bị sao, chủ nhân hai ngôi nhà ở cạnh giếng lại bị lâm bệnh hiểm nghèo cùng một thời gian rồi qua đời. Điều này khiến câu chuyện phạm giếng thiêng mất mạng được người dân lan truyền, thêu dệt khắp vùng. Có người còn bảo đi xem bói, ông “thầy bói” bảo đất giếng thiêng lắm, bất khả xâm phạm. Đất giếng thiêng đừng bao giờ nhòm ngó hay chiếm dụng sẽ chuốc họa vào thân, nặng thì mất mạng, nhẹ thì điên dại, gia đình lục đục, làm ăn đi xuống.
Thực hư câu chuyện chiếm đất đổi mạng này như thế nào, cụ Nguyễn Thị Hội (74 tuổi) nhà cách giếng thiêng không xa cho biết: “Ngày trước, một gia đình cạnh giếng đã thả vịt và chất đống rơm khiến khu vực này thường xuyên bẩn thỉu, ô uế. Chính việc này đã khiến các “ngài” nổi giận, làm gia chủ ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất. Không những thế, gia đình khác lại lấn đất giếng làm phòng trọ cho công nhân ở làm ảnh hưởng đến không gian thanh tịnh của khu vực giếng thiêng. Kết quả, người chủ nhà cũng bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời khi tuổi còn khá trẻ. Hai cái chết xảy ra trong cùng một thời điểm khiến người dân trong làng, ngoài xóm đồn thổi rằng, họ đã mạo phạm đất thiêng nên bị trừng phạt, muốn yên ổn phải dừng ngay các hoạt động nuôi trồng, lấn chiếm phần đất của giếng”.
Cụ Nguyễn Thị Hội bên giếng thiêng. |
“Thần khuyển” được yểm giữ của?
Theo cụ Nguyễn ánh Tuyết (75 tuổi), từ cổ, chí kim chưa ai dám mạo phạm đến khu vực giếng thiêng bởi có hai “thần khuyển” canh giữ. Sau những chuyện đau lòng xảy ra với những người dân sống gần giếng thiêng, các cụ trong làng đã xây dựng một miếu thờ nhỏ để người dân thắp hương vào những ngày lễ, tết, ngày rằm, mùng một cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Cụ Tuyết cũng phỏng đoán, rất có thể, người xưa giấu của trong khu vực giếng cổ và yểm hai con chó đá để giữ của. Chính vì vậy, những người xâm phạm như muốn tìm kiếm kho báu đều bị trừng phạt trừ khi được giải. Còn thực hư kho báu được giấu ở đâu, số lượng bao nhiêu thì không ai biết, chỉ biết rằng, cặp chó đá bỗng nhiên mất tích.
Nhắc đến cặp chó đá hàng ngàn năm canh giếng cổ, cụ Nguyễn Thị Hội xót xa kể câu chuyện xảy ra chục năm trước về đôi “thần khuyển” đã bị hai kẻ lạ mặt đào trộm. “Khoảng chục năm về trước ông trưởng thôn có dẫn hai người lạ về làng giới thiệu là các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa về xin phép làng cho tìm hiểu đôi chó đá bên giếng cổ. Công việc nhà nông bận rộn, ít ai để ý đến hai người lạ làm gì. Khoảng một tuần sau, sau một đêm trời tối đen như mực, hai con chó đá đã không cánh mà bay. Sau hôm đó, cũng không thấy hai nhà nghiên cứu đâu, ông trưởng thôn lúc đầu giới thiệu gặp dân làng cũng không biết. Kể từ đó, cặp chó đá mất tích”.
Video tham khảo:
Khám phá rừng Lim ngàn tuổi ở Hải Dương
Cũng theo các cụ cao niên trong làng, ngoài cặp chó đá bị đánh cắp, nền giếng còn bị bật tung, vị trí chân hai con chó đá bị đào sâu, một vài bản khắc chữ Tàu còn sót lại. Những người biết chữ Hán nghi ngờ người Tàu chỉ mượn cớ nghiên cứu văn hóa đã đào trộm chó đá lấy vàng đi. Vị trí của đôi chó đá và giếng thiêng nằm sát bờ ao Quan tấp nập tàu thuyền qua lại một thời. Gọi là ao nhưng thực ra giống sông hơn, bởi trước đây, ao này nối các xã, huyện với nhau dài đến vài km đổ ra sông Đuống, đây được xem là con đường thủy giao thương lớn trong vùng những năm trước đây. Hiện, ao Quan nay đã bị lấp chỉ còn dài hơn 1km. Chính từ những căn cứ lịch sử, nhiều người cho rằng, người Tàu đã giấu của mà người dân không hề hay biết.
Cho đến nay, nhiều người dân thôn Rích Gạo khi nhắc đến chuyện đau lòng xảy ra với ông T. nhà gần ngay giếng thiêng vẫn tỏ ra sợ hãi và cảnh báo con cháu không được mạo phạm. Chuyện kể rằng, vào một đêm sáng trăng, ông T. đang ngủ, bỗng nhìn thấy hai con chó trắng từ khu vực giếng thiêng đi vào trong bếp nhà mình ăn vụng. ông T. đã cầm đòn gánh đuổi đánh, một trong hai con bị đập sượt đầu, trúng một bên tai, chạy đến rặng tre lối vào giếng thiêng, hai con chó trắng biến mất. Sáng hôm sau, các cụ trong làng đến giếng thắp hương phát hiện một bên tai của một con chó đá bị sứt mà không hiểu vì sao. ông T. đem câu chuyện có hai con chó lạ xuất hiện trong bếp, ăn vụng, bị ông đánh, kể với người dân trong xóm, ai cũng ngạc nhiên, bởi trong làng chưa bao giờ có chó trắng.
Tưởng rằng câu chuyện của ông T. chỉ là bịa đặt, chuyện phiếm cho vui, ai ngờ một thời gian ngắn, ông bị ốm nặng, bị bạo bệnh rồi qua đời ở tuổi ngũ tuần. Sau cái chết của ông T., trong làng đồn đoán, ông đã mạo phạm “thần khuyển” canh giữ miếu thiêng nên bị trừng phạt. Và cái kết buồn của ông T. khiến người trong làng tin rằng, hai con chó trắng chính là chó đá biến thành, một bên tai của chó đá đã bị sứt do cú đánh của ông T..
Cụ Nguyễn Thị Hội cũng cho biết, nay giếng cổ không còn cặp chó đá canh giữ nữa nhưng người dân đã ý thức và bảo vệ khu vực giếng cổ. Dân làng đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây thành giếng lên cao hơn, lát nền sạch sẽ, xây một am miếu nhỏ để người dân thờ cúng. Khu vực giếng thiêng được xây dựng riêng biệt, có cổng cửa tách biệt với khu vực người dân sinh sống tạo nên một không gian văn hóa tâm linh.
Chó đá bị mất nhưng câu chuyện liêu trai là do đồn thổi Ông Nguyễn Quang Biên, Trưởng thôn Rích Gạo cho biết: “Thực hư những câu chuyện quanh giếng thiêng được người dân thêu dệt, đồn thổi không có căn cứ khoa học. Có khi, người dân mất vì ốm đau, bệnh tật lại cho rằng, vì thế nọ, thế kia liên quan đến tâm linh. Những câu chuyện cứ được truyền miệng, rồi lan truyền từ người này qua người khác “tam sao thất bản” một đồn mười. Chuyện cặp chó đá bị đào trộm cách đây hàng chục năm là đúng. Còn chuyện người Tàu giấu của cũng chỉ là phỏng đoán chứ chưa có cơ sở nào khẳng định”. |