(ĐSPL) - Có những sự dọa dẫm, phỉ báng khi loại bỏ phố ông Đồ vì nhóm dịch vụ ăn theo đã không còn đất sống. Ông đồ không qua kỳ sát hạch có cả ngàn lý do khách quan như... tại giấy chứ chữ Thánh hiền ông chứa cả bồ.
Tìm đến gặp một “ông Đồ” thi trượt trong đợt sát hạch vừa qua, tôi không có ý định xin chữ nhưng “ông Đồ” có vẻ rất mặn mà nên tôi miễn cưỡng đồng ý.
Ông bày trước mặt tôi rất nhiều loại giấy có in sẵn logo của riêng ông. Ông giới thiệu từ loại giấy có mệnh giá đắt chừng 7.000 đồng đến những loại giấy tầm tầm từ 2 – 4 nghìn đồng. Rồi ông đưa tôi một tập giấy dày có rất nhiều chữ in sẵn và có giải thích nghĩa bên dưới.
Tôi chọn đại chữ “Thuận” mong mọi sự đều đạt rồi hào hứng chờ giây phút “ông Đồ” lướt bút lông trên nền giấy đỏ. Chiếc bàn uống nước với đủ ấm, chén, lọ hoa, gạt tàn thuốc được dẹp gọn vào một góc để “ông Đồ” phóng bút. Vừa viết, ông vừa nói như giải thích: “Bút này xấu quá, chưa được đạt lắm, viết nét nó chưa chuẩn”. Chắc có lẽ ông vẫn bị ám ảnh tôi như những thành viên trong ban giám khảo hôm nào. Tôi tin ông cũng không biết tôi chẳng đủ khả năng và trình độ để thẩm định về thư pháp chữ Hán. Nếu biết, chắc ông cũng không lúng túng và run tay đến nhòe nét như thế.
Ông Trần Quốc Chí tại hội chữ Xuân Ất Mùi 2015. |
Đang viết, ông ngẩng lên hỏi tôi tên họ đầy đủ là gì. Tôi nói, vị này ra chiều suy nghĩ rồi… ngừng viết. “Ông Đồ” bảo tôi đợi một lát để ông lên gác bật mạng tra xem chữ “Dương” trong họ của tôi viết như thế nào.
Đấy, tôi có lý do riêng để từ chối nhận chữ ngay từ đầu. Nhưng thôi đành, vì người ta nhiệt tình quá thì cũng coi như “một tấm lòng trong thiên hạ”, cũng nên đón nhận dù nó có hơi méo mó và chưa được tròn đầy. Tôi ngồi chờ một hồi lâu đợi “ông Đồ” tra chữ, miên man nhiều suy nghĩ, thấy cái chuyện chữ nghĩa nó đau đớn lạ.
Tôi tôn trọng nhân vật của mình xin được giấu tên vì muốn bảo tồn một câu chuyện nào đó của riêng họ.
Được biết, “ông Đồ” này làm kinh doanh và vẫn thường xuyên đi giao lưu cho chữ ở nhiều lễ hội trên cả nước.
Nghe bảo ông thuộc vài trăm chữ.
Khi được hỏi về cuộc thi sát hạch, “ông Đồ” này vui vẻ nói chấp nhận kết quả.
Tuy nhiên, ông cho rằng, với những người chơi thư pháp như ông thì cái nhìn của mọi người cũng không nên khắt khe quá.
Nguyên nhân ông thi trượt được cho là do đề thi quá lạ lẫm mà người dân đi xin chữ không mấy ai xin chữ lạ. Hơn nữa, giấy của ban tổ chức hôm thi không phải giấy ông vẫn thường viết, nó bị nhòe nên viết nét chuẩn nhưng viết xong thì nét bị giấy thấm nhòe tứ tung.
Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố tâm lý, cái nhìn quá khắt khe của ban giám khảo…
Phố ông Đồ mất, những kẻ tầm gửi cũng không còn đất sống. |
Bà Đỗ Thị Tám, Phó giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tỏ ra bất bình và cảm thấy bị xúc phạm khi có luồng ý kiến gọi ông Đồ trong Văn Miếu là những “cu li viết chữ thuê”.
Theo lời bà Tám, “đây là một cách nói xúc phạm ghê gớm mang tính cá nhân đối với tất cả những người có tâm huyết với sân chơi Văn Miếu nhiều năm qua”.
Bà Tám không phủ nhận đã có những người đến Văn Miếu viết chữ tính toán bài toán kinh tế và có ý chê đắt rẻ nên đã từ bỏ, chỉ có những người còn mặn mà với thú chơi chữ mới ở lại.
Liên quan đến động cơ “đánh sập phố ông Đồ” vì lợi ích kinh tế như dư luận bàn tán, bà Tám nói, PV có thể tự tìm hiểu. Tuy nhiên, bà Tám chia sẻ: “Suốt mấy chục năm nay, có phố ông Đồ hay không có phố ông Đồ thì sân Văn Miếu vẫn đông khách đến, có khi phải xếp hàng dài vài tiếng đồng hồ mới xin được chữ”.
Bà cũng phủ nhận việc một ông Đồ có thể viết từ 500 – 1.000 bức trong một ngày như lời TS. Trần Trọng Dương (viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã đưa ra. Con số này được bà Tám cho là con số khống.
Bà chia sẻ câu chuyện cá nhân: “Từ trước Tết, tôi đã thường xuyên bị đe dọa qua điện thoại. Vì số điện thoại của tôi chính là đường dây nóng của Văn Miếu và tôi cũng là thành viên giám sát cuộc thi sát hạch ông Đồ năm nay. Thậm chí, tôi còn bị dọa đánh. Đó là vấn đề phức tạp”.
Bà đã bị những đối tượng đầu gấu ăn theo phố ông Đồ đe dọa, chửi bới. Đó là những người bán hàng, trông xe, bán nước, bán đồ ăn... “Người ta chửi chúng tôi thậm tệ. Cứ nhìn thấy chúng tôi đi qua cổng là họ buông lời chửi rủa”, bà nói. Họ chửi cán bộ ngu như con chó không biết gì về văn hóa nên không cho các “cụ Đồ” ngồi vỉa hè mà bắt các cụ ngồi hết vào hồ Văn. Những câu chửi tục tĩu, sự đe dọa là vì lợi ích kinh tế của một nhóm ăn theo phố “ông Đồ” nhiều năm qua. Thậm chí, bà còn bị đe dọa kiểu: “Chúng mày đừng tưởng là chúng tao không làm gì được chúng mày mà chúng mày yên thân”.
Đêm 30, sáng mùng 1 Tết, bà Tám vẫn bị khủng bố điện thoại đến mức hai thái dương giần giật. Liên tục thời gian trước Tết, một ngày bà nhận được 60 – 70 cuộc điện thoại kiện cáo và đe dọa, đến mức, mùng 1 Tết sếp gọi điện chúc Tết mà không dám nghe điện thoại nữa.
“Tôi cũng thấy buồn vì sự cố gắng của chúng tôi đương đầu với cả nguy hiểm nhưng một lời khen chưa thấy mà chỉ toàn những câu chuyện đau lòng”, bà Tám tâm sự.
Bà Tám cho biết, cuộc thi sát hạch ông Đồ là do các câu lạc bộ thư pháp chủ động khởi xướng.
Bà Tám cũng nói, lượng giấy viết sai mỗi ngày hàng trăm tờ, nhưng Văn Miếu luôn sẵn sàng cung cấp giấy tốt nhất cho các ông Đồ vì mục đích cho chữ tốt đẹp. Giấy trong Văn Miếu là giấy xịn chứ không có giấy đại trà như ở bên ngoài.
Hồ Văn thưa thớt khách vì người dân chưa có thói quen xin chữ ở đây. |
Ông Trần Quốc Chí, Phó chủ nhiệm CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam, Phó ban Tổ chức, phụ trách khu vực viết chữ hồ Văn cho biết: “Chúng tôi bây giờ không gọi là “ông Đồ” mà gọi là người viết. Việc sát hạch những người viết để trả lại cái đúng cho nhân dân. Đích cuối cùng của chúng tôi là hướng tới nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Chúng tôi không thể để tình trạng nhân dân treo dù chỉ là một chữ sai ở trong nhà”.
“Những người phản ứng là những người ích kỷ, không cầu thị, cái đích cao cả mà đúng thì phải theo dù là khó, còn phủ nhận lại cái đích người dân mong muốn thì cả xu hướng tốt sẽ gạt họ ra ngoài. Họ có thể phản ứng một cách tự nhiên nhưng dư luận đúng thì họ không có chỗ đứng trong xu thế phát triển. Những ai cố tình đi ngược thì chúng tôi kiên quyết loại bỏ”, ông Chí nói về những người thi trượt mà phản ứng gay gắt.
Ông Chí cũng khẳng định “không tồn tại cu li viết chữ trong Văn Miếu”.
Ông Chí cho rằng, việc “đánh sập phố ông Đồ vì lợi ích kinh tế” của một số luồng dư luận là sai lầm. “Vì cái đích của chúng tôi không phải để kiếm tiền mà có một sân chơi, một địa chỉ đỏ để những người yêu thư pháp, thích thư pháp có đất tham dự cuộc chơi phục vụ nhân dân, một địa chỉ tin cậy để nhân dân được đến theo nguyện vọng của mình. Nếu mục đích kiếm tiền thì chúng tôi đã lại ủng hộ viết chữ ở bờ tường Văn Miếu như mọi năm”.
Kinh nghiệm chọn người cho chữ Ông Chí cho biết, người đi xin chữ có thể căn cứ vào lều nào treo những bức tranh là những bài thơ, nhiều chữ thì nơi đó viết tốt. Người có đẳng cấp rất hạn chế việc viết một hai chữ mà thường viết cả câu, viết thành tác phẩm. Nhất là những người có được triển lãm rồi thì càng viết tốt. Có thể nhìn cách cầm bút lông mà biết trình độ của người cho chữ. Cách cầm chuẩn là cầm đứng bút, viết chữ nhỏ có thể dựa bằng khuỷu tay nhưng viết không tỳ. Cầm như cầm bút sắt không phải dân thư pháp hoặc trình độ kém, dù là “râu tóc bạc phơ”. Hiện nay, người trẻ viết hay, người già không còn nhiều người viết tốt nữa. |
DƯƠNG THU
Xem thêm video: