(ĐSPL) - Mỗi năm Tết đến xuân về, "phố ông đồ" (khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) lại tấp nập cảnh người cho, kẻ xin chữ. Nhưng con số 70\% ông đồ bị trượt trong đợt khảo tuyển với các ông đồ ngoại tỉnh khiến không ít người dân bất ngờ.
"Phố ông đồ" "sạch" hơn?
Câu chuyện về "phố ông đồ" những năm qua đã trở thành một đề tài "muôn năm cũ" của báo chí và dư luận. Có điều, danh tiếng thì ít mà tai tiếng thì nhiều, với những câu chuyện thị phi, thật giả khó phân biệt. Người đến xin chữ thì "mù tịt" về chữ nghĩa, thấy thiên hạ xin chữ, cũng ào ào kéo đến làm cho có lệ để không cảm thấy bị thua thiệt.
Người cho chữ có tài thực thì ít mà những kẻ "học nghề chưa thông" cũng đua đòi chữ nghĩa lại nhiều. Sự pha trộn tất cả những yếu tố đó đang hủy hoại ý nghĩa tốt đẹp của loại hình nghệ thuật truyền thống vốn rất tao nhã này.
Đến nỗi, một thư pháp gia có tiếng phải thốt lên rằng, thời nay, người ta quy tất cả người ngồi viết chữ ở Văn Miếu đều là thư pháp gia và những chữ mình xin được đều là thư pháp. Sự ngộ nhận này làm hỏng cả ý nghĩa chân chính của việc cho chữ.
Vấn đề đặt ra là cả người cho lẫn người xin chữ đều chưa đủ tâm và tầm nên cảnh hỗn loạn, bát nháo ở chợ chữ bao năm qua vẫn vậy, không có biến chuyển nào đáng kể. Tuy nhiên năm nay, sở VH- TT&DL Hà Nội đã phối hợp cùng trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và CLB thư pháp UNESCO đã đưa ra những giải pháp để chấn chỉnh lại hoạt động cho và xin chữ tại "phố ông đồ".
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc sở VH-TT&DL cho biết: "Ông đồ muốn cho chữ ở khu vực hồ Văn sẽ phải trải qua kỳ "sát hạch" trình độ và CLB Thư pháp UNESCO sẽ thành lập tổ "sát hạch" các ông đồ trước khi họ "hành nghề" tại đây.
Chỉ những ông đồ nào viết chữ đúng mới được tham gia cho chữ và được quy hoạch chỗ ngồi rất cụ thể. "Bao nhiêu năm, "phố ông đồ" tồn tại tự phát rồi. Ngay những người mới chỉ cầm được bút lông viết vài chữ đã ra "hành nghề" cho chữ, vì thế, bây giờ phải đưa "phố ông đồ" vào nề nếp. Bởi vậy, ai muốn vào viết chữ thì phải học, phải rèn luyện thật nhiều".
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, thư pháp gia Lê Quốc Việt, một trong 5 người tham gia khảo thí các ông đồ cho chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Từ trước đến nay, không ít kẻ chỉ biết 4, 5 chữ Hán cũng nghễu nghện ngồi ở phố ông đồ. Việc khảo tuyển không chỉ với các ông đồ ngoại tỉnh muốn cho chữ ở Văn Miếu mà các ông đồ sinh hoạt trong các câu lạc bộ Thư pháp tại Hà Nội cũng phải qua khảo tuyển. Đây là điều cần thiết để đảm bảo sự khách quan, tránh việc nghi ngại sự "châm chước" cho người nhà của dư luận".
Thư pháp gia Lê Quốc Việt. |
Thư pháp gia Lê Quốc Việt chia sẻ: “Kết quả 70\% ông đồ trượt trong đợt một khảo tuyển không khiến tôi bất ngờ. Rõ ràng, chúng ta cần phải thanh lọc thị trường bát nháo cho chữ không chỉ ở Văn Miếu mà còn ở nhiều nơi trên cả nước. Và phố ông đồ là một nơi cần tiên phong trong việc "thanh lọc" này".
Việc công khai phân loại trình độ ông đồ năm nay rõ ràng phần nào giúp người xin chữ nắm rõ thông tin hơn. Nhưng không chỉ có vậy, năm nay giá xin chữ cũng được niêm yết rất rõ ràng để hạn chế tình trạng "chặt chém" vô tội vạ như mọi năm.
Theo thông tin từ buổi họp báo, bảng giá tiền cho chữ ứng với từng loại kích cỡ, khổ giấy khác nhau và sẽ được ban Tổ chức niêm yết công khai ngay ở lối vào khu vực hồ Văn để mọi người được biết.
Nhiều ý kiến cho rằng: Việc "siết" hoạt động cho chữ năm nay sẽ dẫn tới việc nhiều ông đồ hoạt động "chui" như năm ngoái do người dân vẫn có thói quen xin chữ... ngoài đường. Trả lời những thắc mắc này, ông Trương Minh Tiến cho biết, tình trạng này sẽ được giải quyết triệt để khi mà vỉa hè mọi năm ông đồ ngồi để cho chữ sẽ được sử dụng làm bãi gửi xe.
"Nếu dùng vỉa hè tuyến phố đó làm nơi trông xe cho khách và ông đồ vào khu vực hồ Văn sẽ không còn chỗ để các ông đồ tự phát ngồi cho chữ như mọi năm được nữa. Đây là giải pháp tốt để không còn tình trạng các ông đồ ngồi vỉa hè cho chữ", ông Tiến nói.
Loại bỏ những người làm hổ danh thư pháp
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về chủ trương "sát hạch" ông đồ, một thành viên ban tổ chức, đồng thời cũng là một thư pháp gia có tiếng (xin được giấu tên) cho biết: "Câu chuyện này vốn chẳng có gì mới. Người ta đã nói nhiều về đủ loại ông đồ, từ “đồ thật” đến “đồ rởm”. Những năm trước, vì chúng ta không kiểm soát được việc này nên giờ phải phân loại để tinh lọc cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, chủ trương phân loại trình độ ông đồ là công việc của cơ quan chức năng chứ không phải là chuyện của những người làm nghề như chúng tôi. Bản thân chúng tôi viết chữ là vì đam mê, muốn quảng bá, chia sẻ tình yêu thư pháp với những người cùng sở thích chứ không phải kiếm tiền. Tuy vậy theo tôi, việc này, đầu tiên cũng hạn chế được những ông "đồ rởm", tạo tiền đề để việc cho chữ thực sự là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa những người yêu thư pháp chân chính".
Trong khi đó, ông Lê Thiên Lý, Giám đốc trung tâm Thư pháp, câu đối và Hán Nôm học, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thư pháp Hải Phòng, người được biết đến với nhiều kỷ lục về thư pháp chia sẻ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc "sát hạch" ông đồ trước khi được ngồi cho chữ tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Việc làm này rất đáng hoan nghênh bởi giống như một bác sỹ phải có bằng mới được khám bệnh và tiêm thuốc thì ông đồ cho chữ, thu tiền ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng tương tự như vậy.
Ông Lê Thiên Lý: "Sát hạch" để loại bỏ những người làm "vấy bẩn" thư pháp. |
Bản thân tôi cũng đã có một năm lên cho chữ ở "phố ông đồ". Tuy nhiên, tôi chỉ ngồi đó có vài chục phút rồi về vì nhiều thị phi quá, nhất là có nhiều ông đồ rởm cạnh tranh không lành mạnh. Không chỉ vậy, nhiều người chẳng biết một chữ Hán nào nhưng nhờ tài khua môi múa mép vẫn rất đông khách.
Nhiều người thì biết dăm ba câu, hỏi câu nào là "tắc" câu ấy cũng cho chữ. Theo tôi, người cho chữ phải là nghệ nhân thư pháp chân chính, có bàn tay vàng, phải trải qua quá trình rèn luyện gian khổ và lâu dài. Tuy nhiên phần nhiều người dân đâu có phân biệt được nên mới có chuyện thật giả lẫn lộn như hiện nay.
Điều này không phải không có căn cứ khi mấy năm qua, nhiều người xin chữ ở Văn Miếu về treo nhưng chữ sai phải hạ xuống. Thậm chí, có người xin chữ "chí" lại thành chữ "chó". Điều đó làm xấu hổ cả những ông đồ chân chính. "Sát hạch" đủ tiêu chuẩn để được ngồi ở Văn Miếu là điều nên làm để nét văn hoá truyền thống tồn tại lành mạnh trong xã hội hiện đại".
Giúp người dân phân biệt vàng thau Trao đổi với PV, thư pháp gia Lê Quốc Việt, thành viên hội đồng khảo thí ông đồ thẳng thắn cho biết: "Đặc biệt, đợt khảo thí đầu sát hạch 45 ông đồ viết chữ Hán chỉ có 3 người đạt. Điều đó cho thấy, hơn 10 năm qua đã có bao nhiêu ông đồ rởm hành nghề và thu tiền bằng cách lừa đảo người dân. Cuộc sát hạch là cơ hội thanh lọc thị trường cho chữ bát nháo từ bấy lâu nay. Không ít kẻ "tóc bạc da mồi" cậy tuổi cao hành nghề cho chữ nhưng qua cuộc sát hạch lại hoá ra không biết, không hiểu gì về thư pháp. Theo cá nhân tôi, với cuộc “sát hạch” này, công chúng phần nào đã phân biệt được đâu là vàng, đâu là thau và dần tiến tới bạch hoá sự giả dối văn tự, trẻ hoá nền thư pháp đúng mực, nghiêng về phía người dân". |