+Aa-
    Zalo

    Giáo viên ở Hàn Quốc sợ cả phụ huynh và học sinh, nguyên nhân do đâu?

    (ĐS&PL) - Những tháng gần đây, hàng chục nghìn giáo viên tại Hàn Quốc đã biểu tình, kêu gọi nhiều biện pháp bảo vệ hơn khỏi học sinh và phụ huynh.

    Theo thông tin trên CNN, khi cuộc đánh nhau xảy ra trong lớp tiểu học của Kang Hyeon-joo, tim nữ giáo viên đập nhanh đến mức cô không thể thở được, tầm nhìn cũng mờ đi. “Những đứa trẻ đấm, đá vào mặt và ném bàn ghế xung quanh”, cô Kang nhớ lại và cho biết thêm rằng, cô đã bị thương khi cố gắng can thiệp.

    Trong 2 năm qua, cô Kang đã rất chật vật để kỷ luật học sinh của mình hoặc đối mặt với phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh khi cô làm vậy. Nữ giáo viên khẳng định, hiệu trường nhà trường không hỗ trợ mà chỉ nói với cô rằng “hãy nghỉ một tuần”.

    Trạng thái căng thẳng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khi cô Kang tiết lộ cô bắt đầu cảm thấy muốn “nhảy ra trước đầu xe buýt”, ít nhất là cô sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi làm như vậy. Hiện tại, nữ giáo viên đang trong thời gian nghỉ ốm.

    giao vien o han quoc so ca phu huynh va hoc tro nguyen nhan do dau2
    Giáo viên Kang Hyeon-joo đã rất chật vật để kỷ luật học sinh của mình hoặc đối mặt với phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh khi cô làm vậy. Ảnh: CNN

    Nữ giáo viên tự sát ngay tại lớp học

    Trong những tháng gần đây, hàng chục nghìn giáo viên tại Hàn Quốc đã biểu tình, kêu gọi nhiều biện pháp bảo vệ hơn khỏi học sinh và phụ huynh. Theo các nhà tổ chức, tại một cuộc biểu tình ở Seoul vào tháng trước, 200.000 người đã tụ tập, buộc chính phủ phải thông báo và hành động.

    Quan điểm thống nhất của đội ngũ giáo viên cả nước được đưa ra sau vụ tự sát của một giáo viên lớp 1 hồi tháng 7/2023. Nữ giáo viên mới ngoài 20 tuổi được phát hiện qua đời trong lớp học tại Seoul (Hàn Quốc). Cảnh sát đề cập đến thông tin một học sinh có vấn đề và áp lực từ phía phụ huynh nhưng chưa đưa ra lý do chính xác về việc cô tự sát.

    Kể từ tháng 7/2023, một số giáo viên khác cũng lựa chọn tự sát, trong đó có những trường hợp được cho là có liên quan tới căng thẳng tại trường học. Theo dữ liệu của chính phủ, 100 giáo viên trường công đã tự sát trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 - tháng 6/2023 nhưng không nêu rõ yếu tố nào dẫn đến cái chết của họ. 11 trường hợp trong số đó được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023.

    “Tôi nghĩ mọi người đều có chung cảm giác rằng điều này cũng có thể xảy ra với mình”, Giáo sư giáo dục Sung Youl-kwan tại Đại học Kyung Hee chia sẻ, đồng thời nói rằng tốc độ và quy mô của các cuộc biểu tình khiến nhiều người ngạc nhiên.

    XEM THÊM: Cả hội trường xúc động khi chứng kiến hình ảnh người mẹ trẻ cùng con trai 3 tháng tuổi lên nhận bằng thạc sĩ

    Theo các giáo viên, luật lạm dụng trẻ em năm 2014 nhằm bảo vệ trẻ em là một trong những lý do chính khiến họ cảm thấy không thể kỷ luật học sinh. Các giáo viên tiết lộ, họ sợ bị một số ít phụ huynh kiện vì gây đau khổ về tinh thần cho con họ và bị lôi ra tòa.

    “Trường học là nơi cuối cùng để học sinh biết điều gì được phép trong xã hội và điều gì không được phép. Thế nhưng chúng tôi không thể làm gì, nếu dạy bảo các học sinh thì chúng tôi có thể bị buộc tội”, giáo viên tiểu học Ahn Ji-hye nói. Cô kể thêm, các phụ huynh sẽ gọi điện cho cô suốt từ 6h - 23h trong ngày nào đó, muốn nói về con họ hoặc phàn nàn.

    Những thay đổi về mặt pháp lý

    CNN đưa tin, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho ban đầu cảnh báo các giáo viên rằng đình công hàng loạt là hành động bất hợp pháp. Thế nhưng, quan điểm này nhanh chóng bị đảo ngược và một loạt sửa đổi pháp lý đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào 21/9.

    giao vien o han quoc so ca phu huynh va hoc tro nguyen nhan do dau1
    Mọi người tưởng niệm một giáo viên tiểu học qua đời tại một trường tiểu học ở Seoul vào ngày 4/9/2023. Ảnh: CNN

    Một trong những thay đổi quan trọng là đưa ra một số biện pháp bảo vệ giáo viên không bị kiện vì lạm dụng trẻ em, nếu biện pháp kỷ luật của họ được coi là hoạt động giáo dục hợp pháp.

    Bên cạnh đó, trách nhiệm giải quyết các phàn nàn và kiện tụng của nhà trường do phụ huynh đưa ra giờ đây thuộc về hiệu trưởng. “Lâu nay chúng ta có một nền văn hóa mà hiệu trưởng có xu hướng chuyển giao những trách nhiệm đó cho giáo viên”, giáo sư Sung nói.

    Được biết, luật mới cũng sẽ bảo vệ thông tin cá nhân của giáo viên, chẳng hạn như số điện thoại di động, và yêu cầu phụ huynh liên hệ với nhà trường nếu có thắc mắc hoặc phàn nàn, thay vì gọi trực tiếp cho giáo viên.

    Tuy cho rằng những thay đổi pháp lý này là “có ý nghĩa”, giáo viên Ahn nghĩ các đạo luật cấp cao hơn như Đạo luật Phúc lợi trẻ em và Đạo luật Trừng phạt lạm dụng trẻ em cũng cần được sửa đổi.

    “Theo các luật này, vẫn có thể báo cáo giáo viên chỉ dựa trên sự nghi ngờ”, cô chia sẻ, đồng thời bày tỏ rằng nên có hình phạt dành cho những phụ huynh đưa ra cáo buộc vô căn cứ đối với giáo viên, hoặc các biện pháp thiết thực để có thể áp dụng những thay đổi bắt buộc trong lớp học, ví dụ như yêu cầu học sinh quậy phá ra nơi nào đó để có thể tiếp tục việc giảng dạy.

    Giáo sư Sung tin những sửa đổi nói trên sẽ giúp ích trong thời gian ngắn nhưng nêu ý kiến rằng, luật pháp nên được coi là mạng lưới an toàn chứ không phải là một giải pháp.

    Vấn đề về luật pháp hay văn hóa?

    Nhiều người cho rằng, xã hội Hàn Quốc quá quan trọng thành công trong học tập nên không có gì ngạc nhiên khi phụ huynh tạo áp lực quá lớn đối với giáo viên, cũng như cả hệ thống giáo dục.

    Thông thường, học sinh phải theo học tại trung tâm luyện thi, gọi là hagwon, sau giờ học trên lớp. Đây không giống như một hoạt động bổ sung mà là một yêu cầu cơ bản và tốn kém để thành công.

    Vào ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, hay còn gọi Suneung, các máy bay sẽ không được cất cánh và giờ đi lại được điều chỉnh để đảm bảo không ảnh hưởng tới học sinh tham gia kỳ thi.

    giao vien o han quoc so ca phu huynh va hoc tro nguyen nhan do dau
    Các giáo viên Hàn Quốc đứng trước Quốc hội Hàn Quốc ở thủ đô Seoul hôm 4/9. Ảnh: CNN

    Giáo sư Sung chia sẻ: “Chúng tôi có một nền văn hóa mà trong đó các cha mẹ thường có một đứa con và họ sẵn sàng dồn mọi nguồn lực tài chính và cơ hội cho đứa trẻ. Áp lực hay nỗi ám ảnh về học tập, đôi khi là tư duy điểm cao, thành tích cao không phải là môi trường tốt cho giáo viên vì họ đang phải chịu áp lực từ phụ huynh”.

    “Trong các chính sách giáo dục, phụ huynh được coi giống như người tiêu dùng, có quyền của người tiêu dùng, còn trường học và giáo viên được coi là nhà cung cấp dịch vụ”, vị chuyên gia nói thêm, và cho hay phụ huynh tin rằng họ “có quyền yêu cầu nhiều thứ từ trường học”.

    Ở một quốc gia nơi giáo dục được coi là trung tâm của sự thành công như Hàn Quốc, mức độ hài lòng của giáo viên rất thấp. Theo một cuộc khảo sát của Liên đoàn Lao động Giáo viên Hàn Quốc hồi tháng 4/2023, có 26,5% giáo viên được hỏi cho biết họ đã được tư vấn hoặc điều trị các vấn đề tâm lý do công việc. Khoảng 87% cho biết họ đã cân nhắc chuyển việc hoặc bỏ việc trong năm qua.

    Đinh Kim(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-vien-o-han-quoc-so-ca-phu-huynh-va-hoc-sinh-nguyen-nhan-do-dau-a597454.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan