Sinh sống bên trời Tây, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, thế nhưng những người mẹ Việt kiều này vẫn luôn canh cánh trong lòng muốn các con của mình hiểu và nói được tiếng Việt. Đó là lý do vì sao họ tìm mọi cách để cùng các con học nói tiếng Việt mỗi ngày.
Gian nan
Chị Dương Thị Minh Thế (SN 1983, quê ở Tây Ninh, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Lindenhurst, New York, Mỹ) được biết đến là một người phụ nữ thành đạt nơi xứ người với công việc làm đồ hóa trang handmade trên đất Mỹ.
Năm 2013, chị Minh Thế sang Mỹ định cư cùng chồng. Rồi 2 đứa con một trai, một gái của anh chị lần lượt ra đời trong niềm vui và hạnh phúc của cả gia đình. Xa quê đã 4 năm, nỗi nhớ quê hương lúc nào cũng luôn đong đầy trong tim chị. Đặc biệt, sinh sống ở nơi ít người Việt Nam, không được nói tiếng Việt hàng ngày khiến chị cảm thấy rất day dứt, đôi khi nhớ, buột miệng nói vài câu tiếng Việt thì mọi người ngoái lại nhìn. Đó là động lực thôi thúc chị Minh Thế quyết định dạy tiếng Việt cho cô con gái Bella 4 tuổi, cùng cậu con trai 2 tuổi của mình.
Bé Bella mới 4 tuổi nhưng cũng đã nói thành thạo tiếng Việt. |
Đem ý định dạy con học tiếng Việt nói với chồng, chị Minh Thế rất vui khi được chồng đồng tình ủng hộ: “Vì ngày ở Việt Nam, chồng tôi thích nói tiếng Việt, anh cũng biết anh em bên nhà vợ không thạo tiếng Anh cho lắm, nên việc tôi quyết định dạy con học tiếng Việt là điều bình thường”.
Người mẹ Việt kiều này tâm sự rằng ngày mới sinh con, chị thường ru con ngủ vào buổi tối, hát cho con nghe những bài hát tiếng Việt, những câu từ đơn giản như “ông mặt trời óng ánh” hay đọc cả bài thơ “Bóng con và bóng mẹ”, giải thích cho con hiểu, cứ như thế con gái của chị Minh Thế học thuộc lòng và hiểu hết bài thơ từ lúc nào không hay.
Nói về khó khăn trong quá trình dạy con học tiếng Việt, chị Minh Thế cho biết thêm: “Khó khăn đầu tiên là chỉ có mình tôi thành thạo tiếng Việt, vì thế nhiều lúc tôi phải đóng nhiều vai diễn, tự hỏi rồi tự trả lời để dạy con. Con nói tiếng Việt được hay không phụ thuộc hoàn toàn 100% vào mẹ. Tôi nói nhiều, tâm sự nhiều bằng tiếng Việt với con thì con sẽ dễ nói được tiếng Việt. Mà bản thân tôi lại không có khiếu diễn trò, nên tôi càng phải cố gắng thật nhiều”.
Thêm một khó khăn mà chị Minh Thế tiết lộ đó chính là không có nhiều tài liệu dạy con học tiếng Việt: “Tôi tìm hiểu trên mạng hay trên YouTube thường là những chương trình dạy khá đơn điệu không phong phú như tiếng Anh, điều này khiến bé thích học tiếng Anh hơn. Nhiều lúc tôi bật một video tiếng Việt lên là bé nản đòi tắt video, thậm chí con gái còn phản ứng gay gắt bằng cách từ chối học tiếng Việt, nhưng nhờ sự kiên trì, quyết tâm nên tôi đã vực dậy tinh thần học tiếng Việt cho con”.
Sang Canada định cư từ năm 2009, chị Phước (tên Tây là Judy Wikinson) cũng luôn canh cánh trong lòng việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho ba người con lai của mình và rồi chị quyết định dạy con học tiếng Việt. Chị Judy Wikinson chia sẻ: “Tôi là người Việt Nam, cho dù chỉ còn bà con ở Việt Nam nhưng cũng có lúc mình sẽ trở về quê hương nên việc con biết tiếng Việt sẽ có lợi cho con rất nhiều. Thêm vào đó, các con sẽ còn phải giao tiếp với ông bà và cộng đồng người Việt ở khắp nơi nên đó là lý do tôi chia sẻ với chồng về quyết định dạy con học tiếng Việt”.
Chị Judy Wikinson đang dạy ba con của mình học tiếng Việt. |
Gia đình chị Judy Wikinson có phương pháp dạy con học rất độc đáo, đó là: “Tôi nói chuyện bằng tiếng Việt với con từ khi còn trong bụng mẹ. Sau khi sinh bé, dù là trẻ sơ sinh thì tôi vẫn trò chuyện với bé mỗi ngày bằng tiếng Việt, mặc dù khi ấy tôi chỉ nhận lại từ bé những tiếng ê a hay nụ cười nhưng đó đã là thành công bước đầu rồi. Tiếp đó, khi ba người con của tôi lớn dần lên, để trau dồi tiếng Việt, các con hàng ngày nói chuyện với bố nhưng dùng tiếng Việt là chủ yếu, sau đó chồng tôi muốn biết từ con nói là gì thì lại hỏi tôi để nhớ. Cứ thế, vốn tiếng Việt của cả gia đình dần được nâng lên”.
Điều quan trọng nhất khi dạy tiếng Việt cho con mà chị Judy Wikinson rút ra được đó chính là học tiếng Việt cũng giống như học tiếng Anh, phải có môi trường giao tiếp thường xuyên. Nên ba người con của chị Xuân Uyên (6 tuổi), Uyên Khanh (5 tuổi) và Khanh Nguyên (3 tuổi) cứ ban ngày lên lớp nói tiếng Anh, nhưng về đến nhà là chị lại giao tiếp với con bằng tiếng Việt. Cứ thế, cho đến thời điểm hiện tại, các con của anh chị Judy đều nói thành thạo tiếng Việt.
“Quan trọng nhất là giải thích cho bé hiểu niềm tự hào và hãnh diện khi biết thêm ngôn ngữ khác, đó là động lực để các con của tôi hứng thú với tiếng Việt”, chị Judy Wikinson nói thêm.
Kết trái
Anh Judy, chồng của chị Judy Wikinson cũng thích thú chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện khi các con biết thêm tiếng Việt. Không chỉ học để biết, mà các con còn có thể thông dịch cho tôi hay cho bà ngoại. Bên cạnh đó, ngoài dạy con tiếng Việt, gia đình tôi cũng rất chú trọng trong khâu dạy con giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, vợ tôi thường dạy 3 con về ăn uống cũng như cách sinh hoạt như người Việt Nam, các con tôi cũng thích nghi rất tốt như: Ngủ trên chiếu lót ở nền gạch, ăn các món ăn thuần Việt Nam như rau muống, sầu riêng, trứng vịt lộn, gặm xương heo, móng heo, mề gà, mãng cầu, măng cụt...”.
Biết thêm được một ngôn ngữ là tiếng Việt, bé Xuân Uyên (con gái chị Judy Wikinson) cho hay: “Cháu rất thích học và nói tiếng Việt, khi học ngôn ngữ này, cháu không chỉ hiểu hết được ý của mẹ nói mà còn có thể tự tin giao tiếp với mọi người ở Việt Nam. Cháu cảm thấy rất tự hào khi mình mang dòng máu của người Việt”.
Trải qua quãng thời gian kiên trì dạy con học tập, cho đến thời điểm hiện tại chị Minh Thế cảm thấy phục chính mình: “Hiện giờ con đã thuộc hết và hát cho ông bà ngoại nghe, ông bà rất vui và tự hào. Mỗi lần con nói được một câu tiếng Việt thành thạo, hiểu hết nghĩa là tôi vui lắm, tôi hạnh phúc vì công sức mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Còn anh xã tôi thì cũng vui khi các con học được thêm thứ tiếng của vợ”.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi hướng dẫn con học tiếng Việt, chị Minh Thế kể: “Có lần con trả lời tôi bằng tiếng Anh, lúc đó tôi hỏi lại bằng tiếng Việt “Có phải con nói là ...?”, sau đó tôi hướng dẫn con cách trả lời bằng tiếng Việt. Sau vài ba ngày, chuyện vui cũng đến, khi đó, trên ti vi phát chương trình dự báo thời tiết ngày mai có bão tuyết, tôi đang nói chuyện, hát hò với bé rồi sau đó tôi hỏi: “Ngày mai có “snow”-(tức tuyết – PV) Bella thích chơi ông già tuyết không?”
Tự dưng bé bảo “Sao mẹ không nói tiếng Việt?”. Tôi nói “mẹ vẫn đang nói tiếng Việt mà” thì con gái bảo: “Mẹ nói "snow"”. Lúc đó, tôi bảo: “Con của mẹ giỏi quá, mình nói lại bằng tiếng Việt nhé”. Chỉ đơn giản vậy thôi mà cả buổi tối hôm đó tôi thật sự rất vui. Tôi cứ cố gắng tranh thủ từng chút không biết mệt mỏi nói tiếng Việt cùng con, kể cả lúc đi tắm cho con, đang nấu ăn, lúc ăn, hay lúc tôi đi giặt đồ...”.
Chồng và các con của chị Minh Thế đều yêu thích học tiếng Việt. |
Trò chuyện thêm với PV, anh Joseph Lodato, chồng của chị Minh Thế cho biết: “Khi vợ nói muốn dạy các con học tiếng Việt, tôi đã đồng ý ngay và tôi cũng rất yêu thích tiếng Việt. Đây là một ngôn ngữ mà nếu học rồi sẽ dễ bị “nghiện”, từ âm sắc đến ngữ điệu. Tôi vẫn thường lắng nghe vợ nói, học theo và để dạy cho các con, cả gia đình tôi hiện nay không lo lắng mỗi khi gọi facetime về Việt Nam mà nói không ai hiểu nữa, bởi các con và cả tôi cũng đều đang học được rất nhiều từ ngữ tiếng Việt”.
Với chị Minh Thế, hay chị Judy Wikinson việc dạy con đang sinh sống bên trời Tây học tiếng Việt là cả một hành trình dài đầy khó khăn, thách thức. Vì những lý do trên nên chị Minh Thế cũng đã quyết định lập ra một nhóm kín trên facebook có tên “Mẹ Việt xa xứ- nơi giữ gìn tiếng Việt”, để các chị em cùng chung hoàn cảnh có thêm động lực, cũng như có thêm tài liệu để hướng dẫn, dạy các bé học tiếng mẹ đẻ. Đồng thời, cũng là góp một phần gìn giữ văn hóa, phong tục Việt Nam nơi đất khách quê người.