+Aa-
    Zalo

    Mẹ của những nữ sinh giành học bổng “khủng” chia sẻ bí quyết dạy con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các cô con gái nhỏ đó đã không làm gia đình thất vọng, những thành công bước đầu của họ như những hoa trái kết nụ từ sự chăm sóc, bảo ban của những người làm cha, làm mẹ.

    Ngày con gái bước lên máy bay sang trời Tây học tập là ngày mà lòng của những người mẹ “nóng như lửa đốt”, trằn trọc, lo lắng cho gái. Nhưng rồi các cô con gái nhỏ đó đã không làm gia đình thất vọng, những thành công bước đầu của họ như những hoa trái kết nụ từ sự chăm sóc, bảo ban của những người làm cha, làm mẹ.

    Những cô “con gái rượu” xinh đẹp, học siêu đỉnh

    Là thủ khoa xuất sắc tiếng Nga vào lớp 10 của trường THPT Amsterdam, giành nhiều thành tích trong các cuộc thi tranh biện, nữ sinh Nguyễn Hoàng Bảo Uyên còn từng khiến nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ khi vượt qua hơn 16.000 đối thủ khác trên khắp thế giới “ẵm” được suất học bổng “khủng” tại ngôi trường đặc biệt nhất nước Mỹ - đại học Minerva.

    Nữ du học sinh Bảo Uyên và mẹ.

    Gặp gỡ hai mẹ con nữ sinh 9X Nguyễn Hoàng Bảo Uyên (SN 1998) vào những ngày đầu tháng 8 tại Hà Nội nhân dịp Bảo Uyên về nghỉ hè, PV báo ĐS&PL đã được nghe Bảo Uyên và mẹ chia sẻ về quá trình “rinh” học bổng cũng như học tập tại một trường đại học danh tiếng.

    Năm 2016, Bảo Uyên đã xuất sắc trúng tuyển vào trường đại học đặc biệt của Mỹ, đại học Minerva với mức học bổng 200 triệu đồng/năm (gọi là trường đặc biệt là bởi ngôi trường này có mô hình giáo dục luân chuyển qua nhiều thành phố và tỷ lệ nhận vào cực thấp với thành tích vượt qua hơn 16.000 đối thủ khác- PV), đây chính là phần thưởng xứng đáng cho sự chăm chỉ, nỗ lực của Bảo Uyên.

    Nhớ lại giây phút đó, Bảo Uyên không giấu nổi sự xúc động: “Biết mình đỗ, tôi vui lắm. Tôi đã nhảy mấy vòng quanh nhà, hét toáng lên. Rồi tôi ôm chầm lấy mẹ, nói lời cảm ơn. Với tôi, thành công này có cả sự nỗ lực từ gia đình. Tôi không coi mình là giỏi hơn những bạn khác đâu bởi người giỏi thì nhiều lắm, nhưng những người may mắn thì có cơ hội đi ra ngoài thế giới sớm hơn mà thôi”.

    Bắt đầu khăn gói lên đường du học, Bảo Uyên nghĩ rằng cuộc sống của cô sẽ dễ dàng vì chỉ có ăn – ngủ - học – chơi. Nhưng khi sang nước bạn, Uyên mới thấy mọi chuyện không hề đơn giản. Sau một học kỳ đầu tiên cô đã sụt cân vì áp lực. Bởi, cuộc sống mới có nhiều thứ quá khác lạ đối với cô. Bảo Uyên phải làm quen với một thành phố hoàn toàn mới, những con người mới và những trách nhiệm mới khi bắt đầu cuộc sống xa nhà.

    “Tôi phải tự có trách nhiệm với sức khoẻ và thời gian của chính tôi. Tôi không ngờ mình lại có thể ăn uống và sống lộn xộn như thế cho tới khi đi du học, không có ai nhắc nhở tôi nữa. Cuộc sống xa gia đình cũng buồn hơn tôi tưởng, nhiều khi nhớ nhà tôi lại khóc, lại thèm bị bố mẹ nhắc nhở”, Bảo Uyên nhớ lại những ngày đầu du học.

    Vũ Quỳnh Anh (SN 1997, TP. HCM) từng được đông đảo giới trẻ biết đến với biệt danh Phoanh Charmmie. Quỳnh Anh không chỉ sở hữu nhan sắc xinh đẹp như hot- girl, nổi tiếng trên mạng xã hội facebook và instagram mà còn khiến nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với thành tích học tập, hoạt động xã hội đáng ngưỡng mộ.

    Vũ Quỳnh Anh cảm thấy may mắn khi có cha mẹ luôn đồng hành.

    Quá trình học tập tại Việt Nam, Quỳnh Anh từng hoạt động trong đội tuyển điền kinh, bơi lội, câu lạc bộ nấu ăn, hoạt động tại ban truyền hình của trường và câu lạc bộ mỹ thuật. Đến cuối năm 2013, Vũ Quỳnh Anh bay sang Mỹ và học tại Camden Catholic High School.

    Quỳnh Anh chia sẻ: “Trong bước đường học tập của tôi đều có sự chỉ bảo không ngừng từ bố mẹ. Ý thức được việc học hành quan trọng, không phụ sự kỳ vọng của gia đình nên sau khi học xong lớp 10, tôi nhận được học bổng và đi du học. Với một cô gái 16 tuổi, lần đầu xa gia đình tôi vô cùng bỡ ngỡ”.

    Trái ngọt từ những lời chỉ bảo

    Khi được hỏi về bí quyết nuôi dạy con học giỏi, cô Lê Anh Thư (mẹ của Vũ Quỳnh Anh) mỉm cười: “Thực ra, tôi không có bí quyết gì cả. Với tôi, đạo đức sống là điều quan trọng nhất. Để con phát triển toàn diện thì việc trau dồi kiến thức và kỹ năng sống là cần thiết như nhau. Một đứa trẻ ngoan là đứa trẻ tự ý thức được sự phát triển của bản thân, biết yêu thương cha mẹ ông bà, có trách nhiệm với gia đình”.

    Ban đầu, cô Thư khá sốt sắng trong việc dạy con học tập, lúc nào cô cũng muốn con phải nghe lời mình răm rắp. Nhưng rồi, cô dần nghiệm ra phương pháp dạy con của mình là chưa đúng và cô quyết định để con phát triển tự nhiên.

    “Còn nhớ, ngày con chưa đi du học, tôi thường ép con phải chăm chú bài vở, mỗi lần con bị cô nhắc, tôi thường cấm đoán và đánh phạt con. Tôi ép con học vì sợ con không thi được vào trường tốt, một phần nữa là vì tôi xấu hổ khi con mình kém hơn con người ta. Càng sợ, tôi càng nhồi con học, nhưng con phản ứng ngược khi chống đối. Rồi tôi nhận ra, tôi đang kìm hãm sự phát triển của con”, cô Thư chia sẻ.

    Thế rồi, sau những lần ép buộc con, cô Anh Thư dần hiểu ra rằng để con phát triển tự nhiên, tự bộc lộ khả năng của bản thân mới là điều cần thiết. Cô đã để con được tự do học hỏi và chỉ là người quan sát, nhắc nhở từ bên ngoài.

    Còn đối với cô Hoàng Vân Anh (mẹ của Bảo Uyên), việc giáo dục con không khác nhiều với những gia đình bình thường: “Vợ chồng tôi thường trao đổi mục tiêu học tập, các ưu tiên trong giai đoạn của cuộc sống, câu chuyện về thế giới việc làm và lắng nghe suy nghĩ của con về vấn đề này. Theo tôi, bố mẹ nên cố gắng làm bạn với con và chia sẻ, tư vấn, không áp đặt, ngược lại khuyến khích con phát triển theo sở thích và năng lực của bản thân, khả năng nổi trội của con. Ngoài ra, vợ chồng tôi thường khuyến khích con đọc sách. Khi Uyên học tiểu học, chúng tôi thường mua các cuốn sách văn học, sách tiếng Anh để con tự trau dồi thêm”.

    Cô Vân Anh nhấn mạnh: “Giáo dục con cần phải giáo dục toàn diện, không chỉ cho con học trên sách vở mà tôi còn dạy con làm việc nhà để tự chăm lo cho bản thân khi đi học xa nhà. Ngày Uyên còn ở Việt Nam, tôi luôn ủng hộ việc con tham gia phát huy năng lực cá nhân. Bên cạnh đó, tôi luôn khuyến khích con tự sắp xếp làm việc nhà, chẳng hạn như: Để con tự dọn dẹp phòng ngủ của mình, tự nấu những món ăn cơ bản để phục vụ cho bản thân. Vì thế, khi con đi du học, tôi chỉ trao đổi và lưu tâm với Bảo Uyên việc làm thế nào để đảm bảo an toàn cho bản thân”.

    Cô Vân Anh cho biết thêm: “Tôi và ông xã luôn nói với con về khái niệm “học tập suốt đời - life long learning” để con gái có ý thức, học tập là cả một quá trình, học tập trong sách vở và học tập cả ở ngoài đời. Trong khi trao đổi, vợ chồng tôi cố gắng tối đa việc coi con là bạn để trao đổi trên cơ sở lắng nghe, hạn chế áp đặt, giúp con tự tin trong giao tiếp, chủ động và có quan điểm riêng của mình”.

    Với Vũ Quỳnh Anh và Bảo Uyên, hai nữ du học sinh luôn cảm thấy may mắn khi có gia đình luôn đồng hành, sát cánh cùng mình trên chặng đường chinh phục tri thức, tự nhủ sẽ luôn cố gắng phấn đấu để không làm cha mẹ phiền lòng.

    Hoàng Bích

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-cua-nhung-nu-sinh-gianh-hoc-bong-khung-chia-se-bi-quyet-day-con-a198666.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan