+Aa-
    Zalo

    Gian nan giải quyết hậu quả khi chủ doanh nghiệp người nước ngoài “bỏ của chạy lấy người”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian qua, tình trạng chủ doanh nghiệp “biến mất”, bỏ trốn đã diễn ra tại khá nhiều địa phương trong cả nước.

    Thời gian qua, tình trạng chủ doanh nghiệp “biến mất”, bỏ trốn đã diễn ra tại khá nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng này để tránh những hệ lụy không đáng có.

    Cứ nợ là “mất tích”

    Vừa qua, thông tin lãnh đạo công ty TNHH KaiYang Việt Nam rời khỏi trụ sở không rõ lý do khiến hơn 3.000 người lao động của công ty này lo lắng. Công ty TNHH KaiYang Việt Nam thành lập năm 2005, là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất giày da xuất khẩu. Liên đoàn Lao động Hải Phòng cho biết, hiện công ty KaiYang Việt Nam còn nợ hơn 21 tỷ đồng tiền lương của công nhân và 9 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

    Hiện nay, lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng đã chỉ đạo UBND quận Kiến An chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục nắm bắt tình hình, phối hợp với phía công ty KaiYang Việt Nam để có phương hướng giải quyết tốt nhất lợi ích, chế độ cho người lao động; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản công ty.

    Còn tại tỉnh Bắc Giang, liên đoàn Lao động tỉnh cũng vừa tổ chức hội nghị bàn biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các công ty TNHH Duo Vina, Fourwell Vina và Jungmin Phố Hoa.

    Theo báo cáo của liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Trong đó, 3 doanh nghiệp trên đang nợ số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài, không có khả năng thanh toán...

    Theo đó, công ty TNHH Duo Vina nợ 15 tỷ đồng, trong đó, nợ công nhân lao động trên 9,6 tỷ đồng. Cụ thể, công ty nợ tiền đóng bảo hiểm cho người lao động gần 5,3 tỷ đồng; nợ 2 tháng tiền lương của người lao động hơn 4,3 tỷ đồng. Theo thông tin do Công an tỉnh cung cấp, ông Shin Jong Soo, Giám đốc công ty này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ đầu tháng 6/2019 và đến nay chưa có thông tin nhập cảnh vào Việt Nam.

    Tương tự, công ty TNHH Fouwell Vina nợ khoảng 27 tỷ đồng, trong đó nợ công nhân trên 10,8 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là ông Eom Youn Pil, Tổng Giám đốc công ty Fouwell Vina đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 7/6/2019 và ông Yoo In Kyu, Giám đốc điều hành công ty xuất cảnh từ ngày 13/6/2019.

    Thực tế cho thấy, việc chủ doanh nghiệp “biến mất”, bỏ trốn đã không còn là hi hữu. Điển hình như công ty TNHH KL Texwell Vina, 100% vốn Hàn Quốc ở khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Vào dịp cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lãnh đạo công ty bỏ trốn về nước khi đang nợ tiền lương gần 13,7 tỷ đồng, khiến hơn 1.900 người lao động lao đao.

    Nhiều tháng nay, ông chủ người Ấn Độ của công ty CP Đường Bình Định (công ty Bisuco) đã không còn liên lạc được khiến người lao động rất lo lắng. Theo ông Trần Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn, hồi tháng 7/2018, lãnh đạo công ty thông báo cho toàn thể người lao động tạm nghỉ, trong khi các chế độ vẫn chưa được giải quyết. Hiện, công ty Bisuco đang nợ lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc và BHXH của 327 người lao động hơn 19 tỷ đồng. Trong khi các cơ quan chức năng còn đang loay hoay tìm biện pháp thì hàng trăm người lao động không biết đòi nợ ở đâu.

    Tại TP.HCM, tình trạng này cũng không kém phần bi đát. Điển hình là việc công ty TNHH Nam Phương nợ BHXH hơn 28 tỷ đồng kéo dài nhiều năm và chủ doanh nghiệp đã bỏ ra nước ngoài. Mặc dù vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý hình sự nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

    Lãnh đạo công ty TNHH KaiYang Việt Nam rời khỏi trụ sở không rõ lý do khiến hơn 3.000 người lao động của công ty lo lắng. Ảnh Báo Người lao động.

    Chưa có quy định rõ ràng để giải quyết hậu quả

    Có thể thấy, tình trạng nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài đột ngột "mất tích" hoặc bỏ trốn đang trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Đánh giá thực trạng này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: “Trước hết, người lao động mất việc làm, mất thu nhập; ngân sách Nhà nước thất thu. Việc chủ doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động; đồng thời tiềm ẩn nhiều hệ lụy xã hội phức tạp”.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Châu Huy Quang, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Hướng dẫn hiện tại còn chưa cụ thể để giúp xác định đối tượng doanh nghiệp nào là doanh nghiệp rơi vào tình trạng pháp lý “có chủ sở hữu bỏ trốn”. Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào về việc xác định “doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn”. Tuy nhiên theo điểm 1, phần III Thông tư liên tịch 06/2009/TT- BLDTBXH-BTC, có định nghĩa, "doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền xác định””.

    “Với định nghĩa đó, tôi cho rằng hướng dẫn hiện tại còn chưa cụ thể vì trên thực tế “người đại diện hợp pháp” có thể không đồng thời là “chủ doanh nghiệp”. Trong trường hợp doanh nghiệp có đồng chủ sở hữu thì xác định như thế nào, nếu chỉ có một (trong số nhiều) chủ sở hữu bỏ trốn? Mặt khác, những người “đại diện hợp pháp” này vắng mặt trong thời hạn bao lâu thì doanh nghiệp sẽ được xem là có chủ sở hữu bỏ trốn vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp thỏa đáng”, luật sư Quang nói.

    “Nếu chủ doanh nghiệp đột nhiên xuất hiện trở lại và chứng minh được họ không phải “bỏ trốn” thì xử lý như thế nào? Ngoài ra, việc quy định UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy ban ủy quyền được quyền xác định doanh nghiệp có “chủ sở hữu bỏ trốn” cũng chưa ổn về mặt pháp lý. Vì hiện vẫn thiếu quy trình, thủ tục hành chính pháp lý cần thiết hỗ trợ ủy ban hoặc cơ quan trực thuộc cho việc xác định có hay không có việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn”, luật sư Châu Huy Quang phân tích thêm.

    Các chuyên gia pháp lý đều cho rằng, cần có tiêu chí định lượng cụ thể để xác định doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Ví dụ như xác định rõ ai là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Hiện có thể hiểu chủ sở hữu doanh nghiệp là những tổ chức, cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp. Cần phân biệt rõ chủ sở hữu doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp – là những người không góp vốn vào doanh nghiệp nhưng tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp với tư cách Giám đốc/Tổng giám đốc, Chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên/hội đồng quản trị của doanh nghiệp.

    “Xác định rõ như thế nào là người đại diện vắng mặt hợp pháp và thời gian vắng mặt. Theo quy định, người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú tại Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty. Do đó, việc xác định như thế nào là vắng mặt và thời gian vắng mặt là hết sức cần thiết để xác định việc chủ sở hữu doanh nghiệp có bỏ trốn hay không”, luật sư Châu Huy Quang phân tích.

    Về việc cơ quan có thẩm quyền nào sẽ xác định doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn, luật sư Quang nhận định, trong trường hợp này, việc trao thẩm quyền này cho UBND cấp tỉnh là hợp lý. “Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Căn cơ hơn về pháp lý, theo tôi, chỉ có cơ quan tòa án mới có thẩm quyền để xác định tình trạng pháp lý của một doanh nghiệp, bao gồm cả tình trạng doanh nghiệp có “chủ sở hữu doanh nghiệp bỏ trốn” hay không. Vì vậy nên định danh là “doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp biệt (mất) tích” thì ổn hơn là “bỏ trốn”, luật sư Quang nói.

    Thiếu cơ chế giám sát

    Bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày: “Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong luật Đầu tư. Quy định là doanh nghiệp phải đăng ký vốn điều lệ, vốn pháp định. Quy định như thế, nhưng không có cơ quan nào kiểm tra xem vốn đó có còn không, có thực không. Các doanh nghiệp đó lại thế chấp tài sản cho ngân hàng. Ví dụ tài sản có 100 tỷ đồng nhưng không hiểu sao lại có thể vay được 300 tỷ đồng, gấp 3- 4 lần tài sản doanh nghiệp đó có. Đây là điểm hở của luật. Chính vì những sơ hở này trong các quy định của luật mới dẫn đến những trường hợp mà chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn, ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động”.

    Hà Nhân

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sông & Pháp luật số 143 ra ngày 6/9

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gian-nan-giai-quyet-hau-qua-khi-chu-doanh-nghiep-nguoi-nuoc-ngoai-bo-cua-chay-lay-nguoi-a291938.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bà chủ Công ty Bảo Hưng là ai?

    Bà chủ Công ty Bảo Hưng là ai?

    Từ một cơ sở nhỏ chuyên làm bánh kẹo thủ công, bà Phan Thị Châm cùng chồng đã thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu kẹo Bảo Hưng có vốn điều lệ cả tr