Thời gian gần đây, có không ít vụ việc vợ vì giận chồng mà tìm ăn lá ngón tự tử. Những trường hợp thương tâm, đau xót khiến không ít người bàng hoàng, lo lắng về vấn nạn này.
Mới đây nhất là cái chết của chị Cụt Thị M. (SN 1998), trú bản Hín Pèn, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khiến nhiều người xót xa. Chỉ vì mâu thuẫn gia đình, chị M. đã lên rừng tìm lá ngón và chụp hình gửi về nhà nhắn nhủ mọi người mình sẽ không trở lại. Dù đã nỗ lực nhưng người thân của chị M. đã không cứu vãn được tình hình.
Bàn về vấn đề ăn lá ngón tự tử, chuyên gia tâm lý Lê Thảo (TP.HCM) cho rằng, việc ăn lá ngón tự tử là hành động dại dột. “Tôi xét thấy hành động tự tử hoặc kéo theo con cái cùng kết thúc cuộc sống là nông nổi, tàn nhẫn. Họ tàn nhẫn với chính mình, tàn nhẫn với cả người thân. Họ đâu biết, họ chết đi rồi những người còn lại sẽ đau khổ, dằn vặt thế nào? Dù có nóng giận, cũng hãy tìm cách giải quyết êm xuôi mọi chuyện. Trên đời này không có con đường cùng, chỉ có bản thân chúng ta không khoan dung, không cho phép mình độ lượng với mọi người”, chuyên gia Lê Thảo nhận định.
Vì bế tắc nhiều người tìm đến lá ngón tự vẫn- Ảnh minh họa. |
Nói về ý định tự tử vị chuyên gia lý giải, khi một ai đó định tự vẫn, họ đã nung nấu ý định và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. “Trong hôn nhân, khó tránh khỏi va chạm, mâu thuẫn về vấn đề nuôi dạy con cái, kinh tế khó khăn, quan hệ đối nội- đối ngoại không suôn sẻ… Chính những bức xúc đó dồn nén lâu ngày khiến họ tuyệt vọng và cho rằng “chết là xong”, “chết là hết”…”, vị chuyên gia cho hay.
Chuyên gia Lê Thảo lưu ý, có thể những người này rơi vào trạng thái trầm cảm một thời gian dài, họ vẫn cười nói vui vẻ với người thân trong gia đình, nhưng ẩn sau đó là những niềm đau, nỗi lòng không ai thấu hiểu. “Họ nghĩ rằng mình là người thừa, họ không còn giá trị với người thân. Họ tiêu cực và muốn nhanh chóng kết thúc cuộc sống này. Với những người còn mẹ già, con nhỏ họ vẫn còn chút lưu luyến nên cứ lần lữa… Và rồi một ngày họ mệt mỏi và quyết định kết thúc tất cả. Chúng ta cần lưu ý, để đi đến cái chết, người này đã có một quá trình đấu tranh chứ không phải bột phát”, chuyên gia Lê Thảo lý giải.
Hãy nhớ, ý định tự tử có thể “bám lấy” bất kỳ ai, ngay cả người thông minh, tỉnh táo. Bởi cuộc đời không hoàn hảo, có lúc chúng ta sẽ rơi vào cảnh tiêu cực và nếu không vượt qua được thì hậu quả sẽ khôn lường.
Bởi vậy, người thân cần theo dõi sát sao, kịp thời thấu hiểu, trò chuyện giúp những người có ý định tự vẫn thăng bằng lại. Cần tinh ý nhận thấy ý định tiêu cực này trong cuộc sống hàng ngày. Họ thường xuyên nói: “Được rồi, tôi hiểu rồi, không cần chứ gì”, “Tôi sẽ đi một nơi thật xa”, “Sau này, con hãy cố gắng thật vui vẻ”, “Mẹ đừng thế nừa, từ nay về sau mẹ hãy cố gắng”,… Đây là những lời quan tâm nhưng ngầm ý là lời dặn dò những người ở lại.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc giao lưu, tạo môi trường giao lưu gặp gỡ với những con người tốt thì họ sẽ không còn những suy nghĩ xấu, và việc nghĩ đến tự tử hầu như là không xuất hiện. Người thân và bạn bè cần luôn luôn phải để ý và quan tâm, không được chủ quan, không được bỏ ngoài tai những câu nói mang khuynh hướng tiêu cực của họ.
Ngay khi phát hiện cần nhỏ nhẹ hỏi han, nếu cần hãy mời chuyên gia tâm lý tư vấn để giúp những người này tìm lại được niềm tin yêu cuộc sống. "Tránh nói những câu dạng như: "Ừ thích làm gì thì làm", "Muốn sao cũng được",... Đây là câu nói nguy hiểm, mang tính "châm ngòi" cho bi kịch. Những người trầm cảm, tuyệt vọng họ rất cần sự quan tâm, cần sự thấu hiểu và cần một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Hãy là chỗ dựa vững chắc và tin cậy cho họ", chuyên gia Lê Thảo cho hay.
PHƯƠNG ANH