Việc thay đổi chính sách lương hưu từ 1/1/2018 tới đây sẽ gây nhiều khó khăn tới lực lượng lao động nữ - vốn được xem là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi.
Từ 1/1/2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với người lao động có sự thay đổi theo chiều hướng tăng số năm điều kiện, đặc biệt với lao động nữ, tỷ lệ phần trăm lương hưu mỗi năm giảm từ 3% xuống 2%. Đồng thời, lao động nữ phải tăng thêm 5 năm tham gia BHXH nữa mới được hưởng lương hưu mức 75%.
Để đóng BHXH đủ 25 năm, thậm chí 20 năm là mức tối thiểu để hưởng lương hưu đã là một điều vô cùng khó khăn đối với lao động nữ. Ảnh minh họa |
Lao động nữ hiện chiếm hơn 50% lực lượng lao động cả nước. Việc thay đổi chính sách lương hưu từ 1/1/2018 tới đây sẽ gây tác động lớn tới số lao động này. Đặc biệt là lao động trong khu vực ngoài nhà nước, bởi trước đây để đóng BHXH đủ 25 năm, thậm chí 20 năm là mức tối thiểu để hưởng lương hưu khi đủ tuổi đã là một điều vô cùng khó khăn đối với lao động nữ.
Trước đó, theo quy định của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ tham gia đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu tương đương 75 % mức đóng BHXH hàng tháng. Trong khi đó, nếu nghỉ hưu trước năm 2018, lao động nữ chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ lương hưu này.
Tại thời điểm này, dự thảo Luật BHXH sửa đổi (cũng do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì soạn thảo) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ đột ngột từ 3% cho năm đóng BHXH thứ 16 trở đi xuống còn 2%. Nhưng các ý kiến này không được tiếp thu, chỉnh sửa, để rồi khi trình Quốc hội thông qua, một số ý kiến không đồng tình của đại biểu Quốc hội là cán bộ Công đoàn đã không đủ sức nặng để ngăn cản một điều luật gây tổn hại nặng nề quyền lợi của lao động nữ như thế.
Như trường hợp của chị Nguyễn Lan Hương –cán bộ một đơn vị địa chính ở Hà Nội cũng xin nghỉ hưu. Chị cho biết, đến tháng 1/2019 chị mới đến tuổi nghỉ hưu.
Nhưng từ 1/2018 phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng 75% lương, mà chị hiện mới có 25 năm nên nếu đóng BHXH thêm 2 năm nữa để đủ tuổi hưu, thì chị lại bị lĩnh lương thấp hơn là nghỉ năm nay, dù đã bị trừ đi 2 năm do thiếu tuổi. Chị Lan Hương chỉ là một trong rất nhiều cán bộ nữ xin nghỉ hưu để “né” chính sách mới. Bởi việc thay đổi chính sách lương hưu lại chỉ tác động tới lao động nữ.
Điều bất hợp lý chính là, những người như chị Hương càng làm việc và đóng BHXH thêm, thì càng lĩnh lương hưu thấp đi. Chính BHXH Việt Nam cũng nhận thấy quy định trên sẽ tác động đến những người vào thời điểm đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH cần thiết để hưởng tối đa 75%.
Một đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ từ năm 2018 trở đi không phải là mới, mà đã thực hiện từ năm 1995.
Theo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2002 và Nghị định số 01 sửa đổi điều lệ Bảo hiểm, mỗi năm đóng BHXH thêm của lao động nữ được cộng 3% (trong khi của nam vẫn giữ nguyên chỉ cộng 2%) và số năm đóng BHXH của nữ giảm từ 30 năm xuống còn 25 năm. Như vậy, thay vì cải tiến chính sách lương hưu cho nữ thì năm 2018 lại “cải lùi” khi quay về điều hơn 20 năm trước đã phải thay đổi.
Lý giải cho việc thay đổi cách tính lương hưu mới, BHXH Việt Nam cho rằng cần thiết để đảm bảo cho quỹ hưu trí được cân đối trong dài hạn. Nhưng điều chưa hợp lý ở đây là trong khi chưa tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ thì lại vội giảm mức hưởng lương hưu. Điều này dẫn đến 2 người cùng đi học, cùng đi làm việc ở tuổi như nhau, nhưng lương hưu của nữ lại thấp hơn nam do nghỉ hưu trước 5 năm. Do đặc điểm giới tính, số năm công tác của nữ đã phải ít hơn nam 5 năm, nhưng tỉ lệ cộng cho mỗi năm đóng BHXH lại như nhau là không hợp lý.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH đã nhận thấy những bất cập trong chính sách và có văn bản kiến nghị Chính phủ để có giải pháp với những trường hợp này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Điều này liên quan đến câu chuyện nghỉ hưu sớm, “chạy” giám định BHXH để được hưởng tỉ lệ tính lương hưu cao nhất.
Nguyễn Hà(T/h)